Ông Lee Jae-yong, 48 tuổi là con trai cả của Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee và cũng là cháu trai của nhà sáng lập Samsung Lee Byung Chul đã được bổ nhiệm vào cương vị Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung hồi tháng 10 năm ngoái. Sự xuất hiện của ông Lee Jae-yong trong ban lãnh đạo của Samsung từng được kỳ vọng là sẽ thổi một luồng gió mới vào tập đoàn này, giúp quên đi những thất bại cay đắng đối với Galaxy Note 7.
Kết quả kinh doanh quý III/2016 của Samsung đã ghi nhận một sự sụt giảm mạnh về lợi nhuận, giảm tới 29,7% xuống 5.200 tỷ Won (tương đương 4,6 tỷ USD) do sự cố liên quan đến dòng điện thoại Galaxy Note 7. Sau vụ việc mới nhất là Phó Chủ tịch tập đoàn bị bắt giữ, giá cổ phiếu của công ty điện tử Samsung đã ngay lập tức rớt giá, giảm 1,1%.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, giá trị thương hiệu của Samsung sẽ bị ảnh hưởng nặng sau bê bối hối lộ. Các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế có thể sẽ quay lưng lại với Samsung, thậm chí tập đoàn này còn có thể trở thành đối tượng của Luật về hành vi tham nhũng nước ngoài trên lãnh thổ Mỹ.
Giáo sư Cho Chang-hoon, Trường Đại học Sogang cho rằng: "Người đứng đầu một công ty bị bắt giữ không chỉ gây thiệt hại cho công ty đó mà còn gây ra những tác động xã hội. Hệ thống luật pháp Hàn Quốc không chấp nhận những hành vi sai trái".
Theo số liệu được công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, hiện Samsung không còn nằm trong danh sách các công ty bền vững nhất trên thế giới năm 2016 và đây là lần đầu tiên Samsung không có mặt trong danh sách này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!