Nhiều người dùng Facebook những ngày qua phản ánh họ liên tiếp nhận được tin nhắn trên Facebook có nội dung: "Chào! Tôi là Mark, giám đốc của Facebook. Xin chào tất cả mọi người, có vẻ như tất cả các cảnh báo đều có thật. Sử dụng Facebook sẽ tốn tiền. Nếu bạn gửi chuỗi này đến 18 khác với danh sách của bạn, biểu tượng của bạn sẽ có màu xanh và sẽ miễn phí cho bạn. Nếu bạn không tin tôi, vào ngày mai lúc 6 giờ tối, Facebook sẽ đóng cửa và mở nó, bạn sẽ phải trả tiền…".
Nhiều người dùng khi nhận được tin nhắn này đã hết sức hoang mang, lo lắng, thậm chí đã đi tìm những người rành công nghệ để nhờ chỉ cách làm theo như tin nhắn để được xài Facebook miễn phí.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Facebook tại Việt Nam cho biết đây là trò lừa từng diễn ra. Khoảng năm 2009, các tin nhắn tương tự đã xuất hiện, cũng thông báo Facebook sắp thu phí.
Mấy ngày gần đây, khi CEO Facebook Mark Zuckerberg điều trần trước Quốc hội Mỹ, thông tin Facebook có thể triển sắp khai phiên bản thu phí lại xuất hiện. Lợi dụng thông tin này, nhiều kẻ xấu đã soạn ra tin nhắn trên để đánh lừa người dùng. "Khi nhận được tin nhắn này, người dùng chỉ cần xóa đi hoặc không cần quan tâm đến nó" - đại diện Facebook khuyến cáo.
Các trò lừa đảo trên Facebook không phải là hiếm. Trong năm 2017 đã rộ lên các tin nhắn trúng thưởng xe máy, TV được gởi đến nhiều người dùng Facebook. Các tin nhắn này thông báo người dùng đã trúng thưởng các món quà từ các công ty nào đó và yêu cầu họ chuyển trước một khoản tiền phí để được chuyển quà đến. Nhiều người dùng làm theo và đã bị lừa tiền. Một số trò lừa khác trên Facebook cũng có thể kể đến là gởi các tin nhắn có kèm các đường link chứa mã độc, virus, lừa đảo… cho người dùng, dụ họ click vào khiến máy tính, thông tin cá nhân mất sạch.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và An ninh mạng Athena, cho biết những kẻ lừa đảo lợi dụng sự cả tin và tâm lý thích trúng thưởng của nhiều người để trục lợi. Nhiều người không biết cứ nhấp vào những đường dẫn bất kỳ trên mạng xã hội mà không biết rằng đường dẫn này chứa mã độc. Các loại mã độc này rất tinh vi, nhiều phần mềm diệt virus không thể nhận biết. Sau khi các mã độc này được tải về máy tính của nạn nhân, nó sẽ được kích hoạt và âm thầm hoạt động. Nó khai thác dữ liệu mà người dùng không biết và nguy hiểm hơn, nó cài các chương trình backdoor ẩn (mã độc có "cửa hậu") trên thiết bị của nạn nhân, biến các thiết bị này thành một phần trong mạng lưới botnet (máy tính ma để tấn công).
"Về kỹ thuật, chúng ta có thể sử dụng các phần mềm diệt virút để ngăn chặn mã độc nhưng không có phần mềm nào ngăn chặn được hoạt động lừa đảo trúng thưởng của kẻ xấu. Người sử dụng cần hết sức cẩn thận, đề cao cảnh giác, không đưa thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền" - ông Thắng nhấn mạnh.