GS. Gurdev Singh Khush
Gắn bó với Viện nghiên cứu giống lúa quốc tế IRRI trong suốt 35 năm, Giáo sư Gurdev Singh Khush dành cả đời để "giải quyết các thách thức thực tế" của năng suất lúa thấp, nguy cơ xảy ra nạn đói ở châu Á.
"Chỉ trong vòng 20 năm, tất cả giống lúa mới được trồng rộng rãi ở toàn bộ khu vực châu Á. Ở đây, dòng IR có rất nhiều dòng khác nhau như IR36, IR64, IR72 và rất nhiều IR khác nữa cũng được các quốc gia châu Á trồng rộng rãi để mà nâng sản lượng và giải quyết vấn đề thiếu lương thực", Giáo sư Gurdev Singh Khush chia sẻ.
Là một trong những người tiên phong trong việc tạo ra nhiều giống lúa kháng sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn và cho năng suất cao, GS.Gurdev Singh Khush cho biết, ông đến Việt Nam từ năm 1969 và có thời gian khá thường xuyên làm việc với các nhà khoa học về lúa gạo ở Việt Nam, đặc biệt là Giáo sư Võ Tòng Xuân và nhiều nhà khoa học khác nữa. Giáo sư Võ Tòng Xuân là nhà khoa học hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam, "cha đẻ" nhiều giống lúa ngon của vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long.
Trả lời phỏng vấn trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học công nghệ VinFuture, nơi ông được hội ngộ cùng GS Võ Tòng Xuân sau nhiều năm, GS. Gurdev Singh Khush khẳng định, năng lực nghiên cứu lúa gạo ở Việt Nam rất tốt với nhiều lý do.
Giáo sư Võ Tòng Xuân và Giáo sư Gurdev Singh Khush hội ngộ tại VinFuture 2023.
"Thứ nhất, đội ngũ nhà khoa học được đào tạo bài bản về nhân giống, về trồng trọt. Thứ hai, ở Việt Nam cũng có hệ thống có thí nghiệm trọng điểm về nghiên cứu lúa gạo. Thứ ba, Chính phủ Việt Nam là Chính phủ kiến tạo, khích lệ hoạt động này. Như vậy Việt Nam có đủ cả ba điều kiện là nhà khoa học, cơ sở vật chất - phòng thí nghiệm và chính sách của nhà nước. Điều đó được phản ánh trong thực tế.
Bởi, từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước thì Việt Nam là nước nhập khẩu lương thực, thiếu đói. Đến bây giờ Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Ấn Độ và đó là sự ghi nhận công sức của các nhà khoa học của Việt Nam cũng như là chính sách của Chính phủ trong lĩnh vực này cũng như sự phát triển của khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nhân giống lúa", GS. Gurdev Singh Khush cho biết.
Đứng trước dự báo về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là trong thời gian tới khi diện tích đất liền có thể bị thu hẹp, GS. Gurdev Singh Khush nhấn mạnh, cần có sự nghiên cứu và phát triển các công nghệ hiện đại "như công nghệ trồng trọt mới, công nghệ phân bón mới, công nghệ sản xuất mới về lúa gạo sao cho vẫn tăng được năng suất nhưng mà không làm tăng phát thải và không làm nghiêm trọng hơn biến đổi khí hậu".
"Để làm chậm hoặc giảm tác động của biến đổi khí hậu thì có rất nhiều cách, chẳng hạn như một trong những phương thức chúng ta phát triển ra những giống lúa có sản lượng cao hơn, năng suất cao hơn, khi mà sản lượng cao hơn, năng suất cao hơn thì mình không nhất thiết phải trồng một diện tích lớn mới đủ sản lượng cần thiết mà chỉ cần trồng ở diện tích nhỏ thôi.
Thứ hai sử dụng những công nghệ hiện đại sao cho vẫn sản xuất được lúa gạo, nhưng giảm tác động về biến đổi khí hậu. Đây là những cách giúp chúng ta có thể thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo đủ lương thực cho các thế hệ tương lai trong 30, 40, 50 năm nữa", GS. Gurdev Singh Khush cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!