Phong trào khởi nghiệp sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2017

P.L-Thứ năm, ngày 12/01/2017 05:11 GMT+7

PGS. TS. Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT

VTV.vn - Đó là khẳng định của PGS. TS. Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT khi nói về những xu hướng nổi bật của ngành ICT Việt Nam trong năm 2017.

Khi nhắc tới FPT, không thể không nhắc đến PGS. TS. Trương Gia Bình - người được coi là linh hồn của FPT, cội nguồn của những định hướng và chiến lược dẫn tới sự thành công của FPT như ngày hôm nay. Dưới sự dẫn dắt của ông, FPT đã vượt qua các đối thủ để trở thành tập đoàn công nghệ Việt Nam hàng đầu Việt Nam. Hiện tại, ông Trương Gia Bình đang đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT.

Trao đổi với Báo điện tử VTV News, PGS. TS. Trương Gia Bình đã có những chia sẻ về những dấu ấn, xu hướng của ngành ICT Việt Nam trong năm mới 2017 cũng như những đề xuất để ngành CNTT Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

1. Theo ông, đâu là những dấu ấn, xu hướng nổi bật của ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông (ICT) Việt trong năm 2017?

Năm 2017 là năm thứ hai Việt Nam nằm trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo ý kiến cá nhân của tôi, có 3 xu hướng nổi bật của ngành ICT Việt Nam năm 2017 có thể thấy rõ.

Thứ nhất là xu hướng về khởi nghiệp sáng tạo. Năm 2016 là năm của khởi nghiệp, do đó, số các nhóm khởi nghiệp tại Việt Nam trong năm qua đã tăng lên nhanh chóng. Hiện nay, Việt Nam đang có khoảng hơn 1.500 doanh nghiệp start-up trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhiều khởi nghiệp kinh doanh với các ứng dụng cho mobile (ứng dụng di động) đã và đang gặt hái nhiều thành công. Theo đánh giá của Viện Phát triển Chính trị, Việt Nam là nước đứng đầu trong khu vực về phát triển ứng dụng cho mobile. Bên cạnh đó, đang có khá nhiều start-up tại Việt Nam hiện đang hoạt động trong lĩnh vực IoT (Internet vạn vật), Fintech, nông nghiệp công nghệ cao.

Thứ hai là xu hướng về triển khai Chính phủ điện tử và thành phố thông minh. Chính phủ đã quyết định chọn ra 240 chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh quốc gia, chỉ tiêu về thành lập doanh nghiệp, chỉ tiêu về độ sẵn sàng về điện tử và giao cho các Bộ, các ngành triển khai. Việc triển khai Chính phủ điện tử, giao thông thông minh, y tế thông minh, thành phố thông minh là con đường duy nhất để đạt được các chỉ tiêu này, do đó, sẽ có những đẩy mạnh trong việc ứng dụng CNTT vào cuộc sống trong năm 2017.

Thứ ba là xu hướng về tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu phần mềm. Thực tế, tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu phần mềm liên tục đạt 25 - 30% trong nhiều năm. Tuy nhiên, trong năm 2016, xuất hiện điểm mới là Việt Nam cũng đã bắt đầu đi vào xu hướng chuyển đổi số, tức là các công nghệ từ nền tảng công nghệ phát triển thông minh (S.M.A.C), của trí tuệ nhân tạo, của máy học sâu, nhận dạng, tiếng nói sẽ được ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa, đẩy tốc độ xuất khẩu phần mềm tăng trưởng nhanh hơn. Theo thông tin khảo sát từ các doanh nghiệp hội viên của VINASA, trong năm qua, các doanh nghệp đang hợp tác với các đối tác Nhật Bản đều có tăng trưởng ấn tượng, có doanh nghiệp liên tục tăng trưởng từ 70 - 80% trong nhiều năm liền. Riêng với FPT Software tại thị trường Nhật Bản đã vượt qua cột mốc doanh thu 100 triệu USD cuối tháng 10/2016. Với quy mô doanh thu này, công ty FPT Nhật Bản đã tiếp cận Top 50 công ty cung cấp dịch vụ CNTT lớn nhất tại Nhật Bản. Mới đây, Công ty Cổ phần Xuất khẩu Phần mềm Tinh Vân đã khai trương chi nhánh tại Nhật Bản với kỳ vọng đạt mức tăng trưởng doanh thu 80% trong năm 2017.

2. Đối với những xu thế này, FPT có định hướng như thế nào, thưa ông?

Chiến lược của FPT là trở thành doanh nghiệp tiên phong trong cuộc cách mạng số. Điều này đồng nghĩa với việc FPT sẽ hợp tác với các tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ, nền tảng số như Microsoft, IBM, Amazon, AWS… Trên nền tảng những công nghệ hợp tác ưu việt và sáng tạo của riêng mình, FPT sẽ tiến hành chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực, từ công nghệ đến kinh doanh, từ phương thức quản trị đến các quy trình. Công ty sẽ ứng dụng nhiều nhất có thể những công nghệ mới nhất vào các hoạt động kinh doanh và cách thức cung cấp dịch vụ. Đó chính là sự dịch chuyển sang công nghệ điện toán đám mây, phát triển các ứng dụng liên quan đến công nghệ điều khiển bằng giọng nói, dữ liệu lớn và phát triển các giải pháp công nghệ hỗ trợ xe tự lái, hàng không số… Đồng thời, FPT cũng đem những công nghệ mới, công nghệ Internet vạn vật vào các đề án của mình để triển khai tại Việt Nam.

3. Khái niệm "thông minh" đang trở nên quen thuộc với nhiều lĩnh vực đời sống, trong đó, không thể không kể đến công lao của những nhà vận động chính sách. Vậy ông đánh giá như thế nào về kết quả của việc ứng dụng CNTT để "thông minh hóa" trong các lĩnh vực hiện nay?

Thuật ngữ "thông minh" được nhắc tới trong rất nhiều bài phát biểu cũng như rất nhiều chính sách của Nhà nước, Chính phủ trong suốt những năm vừa qua. Nếu nói về tin học hóa, Việt Nam đi chậm hơn các nước khác vài chục năm. Tuy nhiên, nếu nói về "thông minh hóa", Việt Nam hiện đang bước cùng với thế giới. Nền tảng công nghệ phát triển thông minh (S.M.A.C) với Social (mạng xã hội), Mobility (di động), Analytics (phân tích dữ liệu lớn) và Cloud (điện toán đám mây) đang tạo ra xu thế phát triển "thông minh" hơn trên mọi lĩnh vực.

Giao thông là một trong những điểm sáng. Nhờ chủ trương xã hội hóa, đến nay, đã có nhiều dự án ứng dụng CNTT trong giao thông được đưa vào triển khai. Đơn cử như hệ thống giám sát xử lý vi phạm trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đưa vào áp dụng thí điểm xử phạt từ tháng 11/2016 đã giúp tự động phát hiện và ghi nhận các hành vi vi phạm. Hệ thống vé tàu điện tử của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam triển khai từ tháng 11/2014 đã giúp người dân mua vé thuận tiện mọi lúc, mọi nơi. Hệ thống thu phí không dừng giúp giảm tải tình trạng tắc nghẽn giao thông ở các cửa ngõ. Gần đây, TP Hồ Chí Minh cũng đã phê duyệt đề án xây dựng hệ thống vé xe bus điện tử thông minh.

Y tế cũng có nhiều cải thiện nhờ việc ứng dụng CNTT. Hơn 100 bệnh viện, các cơ sở y tế trong cả nước đã ứng dụng hệ thống quản lý bệnh viện (FPT.eHospital) giúp giảm thời gian đăng ký khám bệnh của bệnh nhân từ 4 phút xuống còn 1 phút, thời gian kê toa của các bác sĩ giảm từ 5 phút xuống còn 2 phút, thời gian tổng hợp báo cáo của bệnh viện giảm xuống chỉ còn khoảng 5 phút thay vì 1 - 2 ngày như trước đây…

Các bộ, các ngành cũng đang từng bước ứng dụng quản lý con người, quản lý các phương tiện, bằng cấp lái xe tại các thành phố.

4. Theo ông, ngành nào của Việt Nam hiện đang "thông minh" nhất?

Theo tôi, những lĩnh vực nào ứng dụng nhiều trí tuệ nhân tạo, nhiều phần Big Data Analytics, lĩnh vực đó là "thông minh" nhất. Ý kiến cá nhân của tôi cho rằng ngành công nghiệp quảng cáo đang là ngành "thông minh" nhất. Hiện nay, người ta không còn quảng cáo chung chung mà đã quảng cáo tới chính đối tượng đang có nhu cầu đó. Các cỗ máy đã phải học để biết rằng đối tượng khách hàng đang có nhu cầu về mặt hàng gì và giới thiệu cho đối tượng sản phẩm phẩm đó.

Sau quảng cáo, ngành truyền thông cũng đang là ngành "thông minh". Những bộ phim mà bạn xem đều do các Đài truyền hình giới thiệu theo hành vi của chính bạn dự báo rằng bạn thích bộ phim đó. Dần dần, "thông minh" sẽ lan tỏa trong tất cả các ngành và đặc biệt là ngành giao thông vận tải, giúp giảm tắc đường thông qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo để điều tiết, điều khiển giao thông thông minh.

Phong trào khởi nghiệp sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2017 - Ảnh 1.

Theo PGS. TS. Trương Gia Bình, ngành công nghiệp quảng cáo đang là ngành “thông minh” nhất.

5. Trong những chia sẻ của ông gần đây, không ít lần ông nhận định IoT không còn là xu hướng mà đang hiện hữu. Theo ông, sự hiện hữu đó thể hiện như thế nào?

Hiện nay, chúng ta đã bắt đầu có một số ý tưởng và có các sản phẩm về IoT như nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh, nhà thông minh… Tuy nhiên, số lượng các ý tưởng cũng như dự án IoT được triển khai thành công và mang lại hiểu quả cho người dùng vẫn còn rất ít.

Trong lĩnh vực giao thông, các giải pháp giao thông thông minh đã được triển khai tại TP Hồ Chí Minh và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, giúp tự động hóa việc điều khiển, phân tích và trực quan hóa tình hình giao thông cũng như việc tính phí phương tiện tự động. Giải pháp kỳ vọng nâng cao năng lực quản lý, điều hành và chất lượng giao thông trên địa bàn các thành phố lớn, tiến tới phủ sóng trên cả nước. Nguồn dữ liệu từ các phương tiện giao thông công cộng, camera an ninh… sau khi được phân tích sẽ giúp mô hình hóa giao thông thành phố, từ đó hỗ trợ các cơ quan trong việc quản lý, đánh giá, quy hoạch.

Riêng tại FPT, lễ tân người máy đầu tiên của chi nhánh FPT tại Nhật Bản - Pepper - được mua từ công ty SoftBank, là robot đời mới của NAO và được bổ sung công nghệ nhận diện hình ảnh API Recognition do các chuyên gia công nghệ của FPT phát triển. Khi tới công ty, khách hàng có thể tương tác trên màn hình hiển thị và lựa chọn các yêu cầu để nhận được sự hỗ trợ từ lễ tân người máy như đưa ra địa điểm họp, thời gian họp và gọi tới cá nhân có lịch họp.

Trong thời gian tới, xu hướng IoT sẽ tiếp tục tác động đến mọi mặt của đời sống con người. Ví dụ như IoT có thể giúp cho ô tô tự kết nối tới bệnh viện khi bị tai nạn, hỗ trợ cảnh báo để người lái xe đi an toàn hơn. Ngoài ra, những chiếc áo thông minh có thể báo cho những người sử dụng biết họ đang làm việc sai tư thế, cần điều chỉnh lại tư thế ngồi để tránh đau lưng. Trong thể thao, các quả bóng tennis thông minh có thể giúp các vận động viên phân tích các hành động để tối ưu các động tác khi luyện tập…

Tuy nhiên, điều mà chúng ta nóng lòng chờ đợi ở ứng dụng IoT, có ảnh hưởng xã hội sâu sắc nhất chính là tem truy xuất nguồn gốc do CLB Nông nghiệp công nghệ cao phát hành. Những con tem này cho phép người dùng sử dụng điện thoại sau khi quét có thể biết được toàn bộ quá trình gieo hạt, chăm bón, thu hoạch như thế nào, có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay không, đóng gói thế nào, vận chuyển ra sao, lên kệ tại đâu. Hy vọng trong năm 2017, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhân dân có thể tin tưởng hơn vào rau sạch được chứng nhận bởi tem truy xuất nguồn gốc và nhanh chóng chuyển sang thịt sạch, trứng sạch, cá sạch… đảm bảo từng bước để tiến đến thực phẩm sạch.

6. FPT là một điển hình trong trào lưu tấn công thị trường nước ngoài. Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm của doanh nghiệp đã và sẽ đi theo trào lưu này? Đây liệu có là xu hướng trong thời gian tới?

Sau khoảng 15 năm kể từ khi ngành công nghệ thông tin Việt Nam vươn ra thế giới, Việt Nam đã có thứ hạng rõ ràng. Cụ thể, Việt Nam đã được đánh giá là địa điểm hấp dẫn nhất thế giới để phát triển phần mềm. FPT Software nằm trong top 100 công ty trên thế giới về ủy thác phần mềm. Riêng chi nhánh FPT tại Nhật Bản đã tiếp cận vị trí 50 các công ty dịch vụ tin học của Nhật Bản. Chúng ta đã có vị thế và đang tiếp tục tăng trưởng. Xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở thêm ra cơ hội mới cho Việt Nam. Nếu Việt Nam có thể đi tiên phong trong cuộc cách mạng số, theo tôi, Việt Nam sẽ có tương lai cực kỳ tốt. Nếu sự cố năm 2000 đưa Ấn Độ trở thành cường quốc về phần mềm thì IoT hoàn toàn có thể sẽ đưa Việt Nam đến vị trí tương tự trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Để giấc mơ lớn này trở thành hiện thực, việc đầu tiên cần làm là các doanh nghiệp công nghệ thông tin cần nhanh chóng có nhiều chứng chỉ về IoT, triển khai các đổi mới sáng tạo số (PoC). Thế giới đang thiếu một cách trầm trọng nguồn lực về IoT. Điều này rất phụ thuộc vào quyết tâm của các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam. Khi nhắc tới sự hỗ trợ của quốc gia, cần phải đưa việc đào tạo trong lĩnh vực IoT vào các trường học. Đại học FPT sẽ đi tiên phong trong việc đưa đào tạo về IoT trong chương trình học.

Chiến thuật của FPT khi toàn cầu hóa là tận dụng thế mạnh riêng của mình tại các thị trường trọng điểm như tập trung cung cấp dịch vụ IT OutSourcing, thế mạnh cung cấp các dịch vụ, giải pháp theo xu hướng công nghệ mới, lợi thế về giá tại các nước phát triển và kinh nghiệm triển khai các bài toán tương tự ở Việt Nam tại các nước đang phát triển. Toàn cầu hóa đang và sẽ là xu hướng chung của các doanh nghiệp hiện nay. Cuộc cách mạng số đang diễn ra rất mạnh mẽ, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải vận động và thích ứng rất nhanh, trong đó, toàn cầu hóa là một trong những việc cần phải làm tiên quyết.

Đến năm 2020, FPT kỳ vọng doanh thu từ thị trường nước ngoài chiếm 30%, mức tăng trưởng doanh thu từ các dịch vụ số hóa cho khách hàng bình quân trên 70% mỗi năm. Tại thị trường các nước phát triển, có thể cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn lớn trên thế giới ở những thị trường lớn như Mỹ hay châu Âu. Tại thị trường các nước đang phát triển, FPT sẽ tiếp tục mang những giải pháp đã thành công tại Việt Nam sang nước bạn để tiếp tục đấu thầu những dự án lớn hàng chục triệu USD. FPT sẽ tiếp tục tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ từ thị trường các nước đang phát triển trong mảng dịch vụ viễn thông và giải pháp CNTT, từng bước làm chủ một số công nghệ lõi của cuộc cách mạng số như Cloud, Big Data, IoT đồng thời tham gia sâu hơn vào quá trình chuyển đổi công nghệ số cho các tập đoàn hàng đầu trên thế giới. Bên cạnh đó, với vai trò là công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, FPT sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp CNTT của Việt Nam tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào cuộc cách mạng số này.

5. Năm mới 2017 đã bước sang, ông có lời khuyên gì đối với cộng đồng ICT Việt Nam và có đề xuất gì với chính sách của Chính phủ dành cho ngành ICT Việt Nam?

Cộng đồng ICT Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, đạt được những bước tiến vượt bậc trong những năm qua. Nhân dịp bước sang năm mới, tôi xin chúc cộng đồng ICT Việt Nam một năm 2017 tràn đầy năng lượng, tăng trưởng cao và đạt nhiều kỳ tích.

Về chính sách, đối với vấn đề khởi nghiệp, theo tôi, điều cần thiết trong khởi nghiệp là đưa tinh thần khởi nghiệp vào trong các trường phổ thông, đưa việc đào tạo về khởi nghiệp vào các trường đại học và mở các vườn ươm tại các trường đại học, đưa ra các chính sách thông thoáng nhất, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức thành lập các công ty, đầu tư vốn, rút vốn, thành lập quỹ nhanh chóng như tại các quốc gia khác như Singapore. Ngoài ra, nên tạo sự kết nối giữa cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam với cộng đồng khởi nghiệp người Việt tại các nước trên thế giới như Mỹ, châu Âu và các nước trong khu vực, mở sàn giao dịch cho các công ty khởi nghiệp, tổ chức các chương trình, quỹ quốc gia để khuyến khích các tư nhân đầu tư vào khởi nghiệp Việt Nam.

Về xuất khẩu phần mềm, tôi cho rằng cần gia tăng và đưa các chương trình đào tạo về công nghệ mới như S.M.A.C, IoT… vào các trường đại học, tăng số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT hàng năm lên mức trên 30%/năm, đưa chương trình đào tạo ngoại ngữ (tiếng Anh) vào hệ thống giáo dục Việt Nam như một ngôn ngữ thứ hai và có những chính sách đặc biệt ưu đãi cho sinh viên ngành CNTT như các quốc gia Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Trung Quốc…

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước