Phát triển công nghiệp công nghệ trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam

Theo TTXVN-Thứ hai, ngày 23/01/2023 16:12 GMT+7

VTV.vn -

Theo Báo cáo về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2022, Việt Nam xếp hạng 55 toàn cầu, tăng 7 bậc so với năm 2021. Đây là báo các do Tổ chức Oxford Insights (Vương quốc Anh) thực hiện, nhằm đánh giá sự sẵn sàng của Chính phủ 181 quốc gia trong việc khai thác ứng dụng của trí tuệ nhân tạo để vận hành và cung cấp dịch vụ. Kết quả này không chỉ phản ánh sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo, mà còn cho thấy xu hướng hình thành nền công nghiệp trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.

Kết nối chính quyền và người dân

Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo được Chính phủ phê duyệt ngày 26/1/2021 đặt ra mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Theo đó, trí tuệ nhân tạo sẽ trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng và góp phần xây dựng xã hội sáng tạo, Chính phủ hiệu quả, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững. Khi trí tuệ nhân tạo được ứng dụng rộng rãi trong hành chính công, dịch vụ công trực tuyến sẽ giúp giảm thời gian xử lý công việc, giảm thời gian chờ đợi và chi phí của người dân. Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế… đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực như y tế, giáo dục, dịch vụ hành chính công….

Tại Thừa Thiên - Huế, nền tảng Đô thị thông minh Hue-S được đưa vào vận hành thí điểm từ tháng 6/2018 và hoạt động chính thức vào tháng 5/2019. Các tính năng của Hue-S được ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thông qua đó người dân có thể phản ánh thông tin, chính quyền tiếp nhận một cách nhanh chóng, chính xác. Đặc biệt, Hue-S có tính năng ví điện tử để thanh toán trực tuyến đã đáp ứng được xu thế thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt trong nhiều giao dịch.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đánh giá: Triển khai giải pháp ví điện tử trên Hue-S là hoạt động thiết thực để chính quyền tương tác với người dân. Việc này được thực hiện theo đúng chủ trương chuyển đổi số là lấy người dân làm gốc. Các dịch vụ đô thị thông minh không chỉ giúp tỉnh Thừa Thiên-Huế thực hiện tốt việc cải cách hành chính, mà còn góp phần thúc đẩy năng lực quản trị của hệ thống chính quyền. Các bài toán kết nối giữa người dân và chính quyền trong bối cảnh chuyển đổi số được công nghệ giải quyết, từ đó tạo đột phá để phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Theo thống kê, sau 3 năm triển khai, Hue-S đã thu hút 10 tập đoàn, doanh nghiệp tham gia tích hợp hơn 15 dịch vụ số. Hơn 800.000 lượt tải ứng dụng, tương ứng khoảng 101,3% số dân trên địa bàn tỉnh có sử dụng điện thoại di động thông minh đã tải ửng dụng Hue-S. Đáng nói là bình quân mỗi người dân ở tỉnh Thừa Thiên - Huế sử dụng 35 phút mỗi ngày với Nền tảng Hue-S cho thấy mức độ tương tác của người dân với ứng dụng rất cao. Đây là điều kiện thiết yếu để phát triển Hue-S, cũng như Nền tảng này sẽ có cơ hội để hoàn thiện các tính năng, trở nên thông minh, tiện dụng hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.

Với những thay đổi rõ nét mà Hue-S mang lại cho chính quyền và người dân Thừa Thiên-Huế, Nền tảng đô thị thông minh này đã nhận "Giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2022" ở top 10 hạng mục Sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số. Đây là giải thưởng trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, được Bộ Thông tin và Truyền thông xét và trao tặng hằng năm cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm công nghệ số xuất sắc được nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng chính phủ số.

Phát triển sản phẩm

Thời gian qua, nhiều sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã phát huy sức mạnh trên thị trường, mang lại trải nghiệm mới cho người dân. Những tập đoàn công nghệ lớn đã nhìn thấy hướng đi mới dựa trên việc phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng như những sản phẩm có ứng dụng công nghệ này.

Năm 2013, Tập đoàn công nghệ FPT đã đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ AI. Đến nay đã hình thành được hệ sinh thái đa dạng các sản phẩm, giải pháp, nền tảng AI giúp doanh nghiệp, tổ chức tối ưu vận hành, nâng cao hiệu suất và đem đến trải nghiệm vượt trội cho khách hàng. Tập đoàn công nghệ FPT cũng từng công bố sẽ chi 300 tỷ đồng (khoảng 13,16 triệu USD) cho nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo.

Năm 2015, Tập đoàn Công nghiệp Công nghệ Quân đội (Viettel) cũng phát triển các hệ thống các sản phẩm trí tuệ nhân tạo. Với việc đưa ra nền tảng "Viettel AI Open Platform" vào vận hành, Viettel đang cung cấp nhiều công cụ giúp cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có thể tích hợp, thông minh hóa các ứng dụng của mình. Đến nay, hơn 70.000 cá nhân và tổ chức đã đăng ký sử dụng nền tảng này. Bên cạnh đó, Viettel cũng phát triển thành công nhiều công nghệ ứng dụng AI trong việc định danh, bảo mật và giám sát an minh.

Tại triển lãm trong khuôn khổ Ngày hội Trí tuệ nhân tạo quốc gia 2022, nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo đang góp mặt tại Việt Nam đã được giới thiệu. Tập đoàn Công nghệ FPT đã trình diễn một một số tính năng của Nền tảng trí tuệ nhân tạo toàn diện FPT.AI. Với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhận dạng hình ảnh, trợ lý ảo, eKYC… hệ thống FPT.AI eKYC có khả năng nhận diện thông tin từ căn cước công dân, từ đó giúp các hệ thống nhập liệu nhanh chóng, phát hiện giấy tờ giả. Ví điện tử MoMo giới thiệu giải pháp thanh toán với việc xác thực giao dịch bằng nhận diện khuôn mặt. Tính năng này có ứng dụng khả năng nhận dạng và xử lý của AI, do vậy, người dùng chỉ cần đưa khuôn mặt ra trước thiết bị quét để hoàn thành một số bước xác thực, thay cho việc nhập mật khẩu, mật mã, bảo mật như trước đây.

Hệ thống robot y tế vận chuyển Vibot trình diễn loạt sản phẩm dùng trong y tế, như xe tự hành và camera phát hiện nhiệt độ. Đây là những sản phẩm từng được sử dụng tại một số bệnh viện trong giai đoạn COVID-19 và hiện được phát triển để hỗ trợ y bác sĩ trong việc chăm sóc bệnh nhân. Nhờ sử dụng cảm biến, camera và ứng dụng AI, robot của Vibot có khả năng di chuyển theo hành trình, dừng đỗ đúng vị trí cần thiết để phục vụ tại bệnh viện.

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thủy, Phó Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm quốc gia Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 chia sẻ: Công nghiệp trí tuệ nhân tạo đang được hình thành thúc đẩy việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội và sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, công nghệ AI đã ngày càng trở nên thiết yếu trong mọi mặt đời sống tại Việt Nam, được ứng dụng mạnh mẽ, tích cực, nhất là trong các lĩnh vực như đô thị thông minh, y tế- bảo hiểm, nông nghiệp thông minh, công nghệ môi trường... Về góc độ kinh tế, việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI của Việt Nam trong tương lai sẽ góp phần giải quyết những vấn đề trong phát triển kinh tế-xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nắm bắt xu hướng phát triển của trí tuệ nhân tạo, một số doanh nghiệp lớn đã xây dựng và phát triển các trung tâm nghiên cứu và phát triển AI tại Việt Nam, thu hút nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này đến làm việc. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo áp dụng công nghệ AI trong các sản phẩm, dịch vụ mới. Những sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo chính là điều kiện tiên quyết góp thúc đẩy nền công nghiệp trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ, là đòn bẩy để thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước