Phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội - Vấn nạn toàn cầu trong kỷ nguyên số

P.V-Thứ tư, ngày 12/04/2017 17:08 GMT+7

Hội thảo "Phát ngôn gây thù ghét và các giải pháp hướng tới một môi trường mạng xã hội an toàn và phát triển bền vững"

VTV.vn - Phát ngôn gây thù ghét là một trong những vấn nạn mà cả thế giới đang phải đối mặt trong kỷ nguyên số, gây hậu quả nghiêm trọng cho mỗi cá nhân và các doanh nghiệp.

Bên cạnh những mặt tích cực không thể phủ nhận trong đời sống xã hội hiện đại, mạng xã hội cũng tạo ra những bất cập cho cá nhân người dùng và doanh nghiệp. Những phát ngôn gây thù ghét (hate speech) đang xuất hiện ngày càng phổ biến và trở thành vấn đề cấp thiết đối với nhiều quốc gia trên thế giới.

Hiện tại, Việt Nam đang có hơn 35 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm khoảng 37% dân số quốc gia với thời lượng trung bình dành cho mạng xã hội khoảng 2 giờ 18 phút mỗi ngày. Theo kết quả nghiên cứu của Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), 78% người được hỏi tại Việt Nam đều khẳng định từng là nạn nhân của phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội hoặc biết những trường hợp tương tự.

Trước thực trạng này, ngày 12/4, Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS) đã phối hợp với Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin & Truyền thông và Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn đồng tổ chức hội thảo với chủ đề "Phát ngôn gây thù ghét và các giải pháp hướng tới một môi trường mạng xã hội an toàn và phát triển bền vững". Hội thảo là diễn đàn mở chính thức đầu tiên tại Việt Nam về chủ đề liên quan đến những phát ngôn gây thù ghét với sự tham gia của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, các học giả trong nước và quốc tế. Diễn đàn chính là cầu nối để các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp cung cấp nền tảng mạng xã hội cùng thảo luận nhằm tìm ra các giải pháp khả thi, hướng tới xây dựng một môi trường mạng xã hội an toàn và công bằng cho người sử dụng.

Phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội - Vấn nạn toàn cầu trong kỷ nguyên số - Ảnh 1.

GS. TS. Phạm Quang Minh - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội - phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, GS. TS. Phạm Quang Minh - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - khẳng định mạng xã hội đã tạo ra sân chơi lớn cho "công dân toàn cầu" tự do kết nối và chia sẻ. Tuy nhiên, chính mạng xã hội cũng trở thành công cụ miễn phí và vô hình cho phép bất kỳ ai có thể sử dụng để tấn công hay trục lợi từ những phát ngôi truyền bá bạo lực, thù hận đối với cá nhân và tổ chức. GS. TS. Phạm Quang Minh cũng cho rằng đây là một thách thức lớn không chỉ đối với Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu.

Để đối phó với thực trạng này, theo ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin Điện tử, trong thời gian qua, Bộ Thông tin & Truyền thông đã và đang thực hiện hàng loạt các giải pháp đồng bộ bao gồm ban hành các quy định mới phù hợp với diễn biến thực tại cả mạng xã hội, tiến hành đối thoại, kêu gọi sự hợp tác và có trách nhiệm hơn nữa từ các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội.

Phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội - Vấn nạn toàn cầu trong kỷ nguyên số - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin Điện tử - bàn về thực trạng của những phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội tại Việt Nam

Tại Việt Nam, những phát ngôn gây thù ghét xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau. Theo kết quả khảo sát của VPIS, trong các nội dung phát ngôn gây thù ghét, 61,7% người dùng mạng xã hội đã từng chứng kiến hoặc trở thành nạn nhân của những phát ngôn nói xấu, phỉ báng, bôi nhọ danh dự và tỷ lệ này ở những nội dung vu khống, bịa đặt thông tin là 46,6%. TS. Phạm Hải Chung - đồng Trưởng Ban Internet và Truyền thông cho rằng tùy theo bối cảnh của từng quốc gia và khu vực với những mâu thuẫn nội tại, yếu tố văn hóa và quan điểm chính trị riêng biệt mà phát ngôn gây thù ghét được định nghĩa và bao trùm những khía cạnh khác nhau.

Chia sẻ về thực trạng tin giả và phát ngôn gây thù ghét tại Thụy Điển, TS. Andreas Mattsson - Giám đốc Trường Báo chí & Truyền thông, Đại học Lund - cho biết những phát ngôn gây thù ghét tồn tại trên mạng xã hội đang đe dọa sự tự do và an toàn của người dùng Internet tại quốc gia này, đặc biệt là vấn đề kỳ thị giới tính khi những chỉ trích thường nhắm phần nhiều tới nữ giới. Theo TS. Andreas Mattsson, đây là một vấn nạn toàn cầu, do đó, việc cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp giữa các quốc gia là vô cùng quan trọng.

Phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội - Vấn nạn toàn cầu trong kỷ nguyên số - Ảnh 3.

TS. Andreas Mattsson - Giám đốc Trường Báo chí & Truyền thông, Đại học Lund - chia sẻ về thực trạng tin giả và phát ngôn gây thù ghét tại Thụy Điển

Dẫn chứng một số giải pháp cho vấn nạn phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội tại Pháp TS. Lê Thị Thiên Hương từ Đại học Poitiers cho rằng giải pháp đầu tiên là đặt ra khuôn khổ luật pháp rõ ràng, cụ thể và nghiêm khắc cho các phát ngôn trên mạng xã hội. Ở quy mô lớn hơn và hiệu quả hơn là việc Ủy ban Châu Âu đưa ra Bộ luật ứng xử năm 2016, trong đó, các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội đưa ra hàng loạt cam kết chống lại phát ngôn thù hận trên mạng tại châu Âu. Tuy nhiên, TS. Thiên Hương cho biết việc cấm phát ngôn thù hận trên mạng không phải là giải pháp đủ. Giáo dục chính là một trong những giải pháp bổ sung và không kém phần quan trọng.

Theo ông Cao Hoàng Nam - Điều phối viên trưởng của VPIS, các mạng xã hội có ảnh hưởng lớn nhất tại Việt Nam như Facebook, Twitter hay YouTube là những nhà cung cấp nền tảng dịch vụ và đều cho rằng họ không hoàn toàn chịu trách nhiệm về những phát ngôn thù ghét trên mạng xã hội. Mặc dù các trang mạng xã hội đều đã cài đặt tính năng thông báo vi phạm cho phép người dùng báo cáo những nội dung sai sự thật hay kích động thù hận, tuy nhiên, việc xóa bỏ những nội dung này còn chậm và không nhiều, chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế.

Hội thảo đồng tình với quan điểm cần kết hợp những biện pháp mềm mang tính đạo đức, giáo dục với đề xuất xây dựng và triển khai Bộ quy tắc ứng xử cho mạng xã hội Việt Nam theo đề xuất của VPIS, tăng cường thực thi quản lý Nhà nước với những quy định cứng rắn, cụ thể hơn nhằm giảm thiểu và ngăn chặn các tác hại của phát ngôn gây thù ghét bất hợp pháp.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước