Nước Đức đi tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Khánh Nguyễn (T/h)-Thứ năm, ngày 04/05/2017 06:00 GMT+7

Nước Đức đi tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho tới thời điểm hiện tại.

VTV.vn - 6 năm trước, Đức đã đưa ra chiến lược Công nghiệp 4.0 và trở thành nước tiên phong tỏng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà nhiều người đang nhắc tới.

Khái niệm "công nghiệp 4.0" được đưa ra vào năm 2011 tại Hội chợ Hannover, giới thiệu các dự kiến của chương trình công nghiệp 4.0 của nước Đức, nhằm nâng cao nền công nghiệp cơ khí truyền thống của Đức. Theo đó, nước Đức đã tạo ra một khuôn khổ chính sách chặt chẽ, thiết lập vị thế là nhà cung cấp các hệ thống sản xuất tiên tiến hàng đầu thế giới.

Tại Đức, đã có những cuộc thảo luận về chủ đề "Industry 4.0″ để mô tả làm thế nào để tạo ra một cuộc cách mạng về mặt tổ chức của các chuỗi giá trị toàn cầu. Bằng cách kích hoạt các "nhà máy thông minh", cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra một thế giới mà ở trong đó các hệ thống ảo và vật lý của chuỗi sản xuất trên toàn cầu có thể hợp tác với nhau một cách linh hoạt. Điều này cho phép tùy biến sản phẩm để phù hợp với khách hàng và tạo ra các mô hình hoạt động mới.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ là về các máy móc, hệ thống thông minh và được kết nối, mà còn có phạm vi rộng lớn hơn nhiều. Đồng thời là các làn sóng của những đột phá xa hơn trong các lĩnh vực khác nhau từ mã hóa chuỗi gen cho tới công nghệ nano, từ các năng lượng tái tạo tới tính toán lượng tử. Cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư (FIR) là sự dung hợp của các công nghệ này và sự tương tác của chúng trên các lĩnh vực vật lý, số và sinh học, làm cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư về cơ bản khác với các cuộc cách mạng trước đó.

Nước Đức đi tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - Ảnh 1.

Các cuộc cách mạng công nghiệp trên thế giới.

Theo GS. Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Industry 4.0 (tiếng Đức là Industrie 4.0) hay cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư (FIR), là một thuật ngữ bao gồm một loạt các công nghệ tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu và chế tạo. FIR được định nghĩa là "một cụm thuật ngữ cho các công nghệ và khái niệm của tổ chức trong chuỗi giá trị" đi cùng với các hệ thống vật lý trong không gian ảo, Internet của vạn vật và Internet của các dịch vụ.

Cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các nhà máy thông minh. Trong các nhà máy thông minh này, các hệ thống vật lý không gian ảo sẽ giám sát các quá trình vật lý, tạo ra một bản sao ảo của thế giới vật lý. Với Internet của vạn vật, các hệ thống vật lý không gian ảo này tương tác với nhau và với con người theo thời gian thực, và thông qua Internet của các dịch vụ thì người dùng sẽ được tham gia vào chuỗi giá trị thông qua việc sử dụng các dịch vụ này.

Berlin xem cách mạng công nghiệp thứ tư là một công cụ mang lại nguồn tăng trưởng kinh tế mới. Không dừng lại ở đó, nền kinh tế hàng đầu châu Âu này còn đi đầu trong nỗ lực phổ biến khái niệm mới ra thế giới, cũng như bắt đầu soạn thảo những tiêu chuẩn liên quan. Trong khi đó, Mỹ gọi khái niệm FIR là "Internet công nghiệp", đồng thời thành lập Liên minh lãnh đạo sản xuất thông minh (SMLC) vào năm 2012 để khuyến khích ngành công nghiệp cộng tác phát triển nền tảng, tiêu chuẩn công nghệ mới.

Nước Đức đi tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - Ảnh 2.

IoT là một phần của cách mạng công nghiệp 4.0

Không muốn đứng ngoài cuộc, Chính phủ Hàn Quốc đã soạn thảo luật khuyến khích các sáng kiến tích hợp công nghệ thông tin (IT) vào những lĩnh vực chủ chốt như ô tô, đóng tàu..., cũng như lập các trung tâm phát minh sáng tạo để giúp thúc đẩy phát triển. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc lên kế hoạch cung cấp vốn cho hơn 2.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa để thúc đẩy sự thành lập của "những nhà máy thông minh" - nơi dây chuyền sản xuất được tự động hóa hoàn toàn, máy móc và hệ thống thông minh được kết nối.

Những động thái tương tự cũng đang được tiến hành tại Trung Quốc. Gần đây, quốc gia đông dân nhất thế giới đã khởi động chiến lược "Sản xuất tại Trung Quốc 2025". Theo đó, Trung Quốc tái cấu trúc và tinh gọn các lĩnh vực công nghệ chủ chốt và cải thiện khả năng cạnh tranh trên toàn cầu. Đồng thời, mục tiêu của cuộc cách mạng lần thứ tư đó là biến Trung Quốc thành người khổng lồ về sản xuất bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến như robot, cảm biến và trí tuệ nhân tạo. Dự kiến, vào năm 2020, Trung Quốc có khả năng sản xuất 100.000 robot mỗi năm.

Cùng với hai quốc gia châu Á trên, Singapore – quốc gia ở khu vực Đông Nam Á cũng không đứng ngoài xu thế này. Chính phủ Singapore dành 450 triệu USD trong 3 năm tới để phát triển ứng dụng robot phục vụ đời sống. Ngoài ra, một phần trong chiến lược xây dựng quốc gia thông minh của Singapore là nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4.

Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư bắt đầu vào đầu thế kỉ 21, tiếp sau những thành tựu lớn từ lần thứ 3 để lại, được hình thành trên nền tảng cải tiến của cuộc cách mạng số, với những công nghệ mới như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo, IoT, S.M.A.C, công nghệ nano, sinh học, vật liệu mới... Hiện tại cả thế giới đang ở trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng này và là chiến lược bản lề cho các nước đang phát triển tiến đến để theo kịp với xu hướng thế giới và mở ra bước ngoặt mới cho sự phát triển của con người.

Trong cuộc cách mạng này, các công nghệ mới nổi và sự đổi mới trên diện rộng được khuếch tán nhanh hơn và rộng rãi hơn so với những lần trước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai chưa đến được với 17% dân số của thế giới, tức ước tính khoảng gần 1,3 tỷ người vẫn chưa tiếp cận với điện. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba vẫn chưa đến được với hơn nửa dân số thế giới, 4 tỷ người, phần lớn đang sống trong các nước đang phát triển, thiếu tiếp cận Internet.

Nước Đức đi tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - Ảnh 4.

Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davoss năm 2016 đã nêu ra những đặc trưng khi đề cập về cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Năm 2015, công ty tư vấn Accenture đưa ra một số liệu kinh tế gây sốc là quy mô của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể mang lại cho nền kinh tế toàn cầu thêm 14,2 tỷ USD thu nhập trong 15 năm tới.

Tại Diễn đàn Davos hồi đầu năm 2016, nhiều học giả đã nêu ra những đặc trưng khi đề cập về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bao gồm công nghệ nano, công nghệ thần kinh, robot, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, hệ thống lưu trữ năng lượng, máy bay không người lái và máy in 3D. Nhưng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng sẽ là một trong những tiền đề gây tranh cãi nhất đối với các nhà quản lý vì có thể làm mất đi 5 triệu việc làm ở 15 quốc gia công nghiệp phát triển nhất.

Trên trang báo mới nhất về sự đổi mới toàn cầu mà General Electric vừa công bố sau khi thu thập ý kiến của hơn 4.000 nhà lãnh đạo và những người quan tâm đến đổi mới ở 23 quốc gia khác nhau cho thấy có 70% số người kỳ vọng vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, 85% tin rằng những đổi mới trong hệ thống mạng - vật lý sẽ mang lại nhiều lợi ích, 64% sẵn sàng chấp nhận rủi ro để thực hiện đổi mới và chỉ 17% lo ngại về tác động tiêu cực đối với người lao động.

21 sản phẩm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được sắp xếp theo số lượng ý kiến giảm dần:

10% dân số mặc quần áo kết nối với internet.

90% dân số có thể lưu trữ dữ liệu không giới hạn và miễn phí (có kèm quảng cáo).

1 nghìn tỷ cảm biến kết nối với internet.

Dược sĩ robot đầu tiên ở Mỹ.

10% mắt kính kết nối với internet.

80% người dân hiện diện số trên internet.

Chiếc ô-tô đầu tiên được sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ in 3D.

Chính phủ đầu tiên thay thế điều tra dân số bằng các nguồn dữ liệu lớn.

Chiếc điện thoại di động cấy ghép vào người đầu tiên được thương mại hóa.

5% sản phẩm tiêu dùng được sản xuất bằng công nghệ in 3D.

90% dân số dùng điện thoại thông minh.

90% dân số thường xuyên truy cập internet.

10% xe chạy trên đường ở Mỹ là xe không người lái.

Cấy ghép đầu tiên gan làm bằng công nghệ in 3D.

30% việc kiểm toán ở công ty được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo.

Lần đầu tiên chính phủ thu thuế qua một blockchain.

Hơn 50% lượng truy cập internet ở nhà liên quan đến các thiết bị dân dụng.

Trên toàn cầu những chuyến đi du lịch hay công tác thực hiện qua các phương tiện chia sẻ nhiều so với các phương tiện cá nhân.

Thành phố đầu tiên với hơn 50.000 người không có đèn giao thông.

10% tổng sản phẩm nội địa toàn cầu được lưu trữ trên blockchain.

Máy trí tuệ nhân tạo đầu tiên được sử dụng cho một hội đồng quản trị công ty.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước