Những "tinh hoa" công nghệ góp mặt tại VinFuture

PV-Thứ ba, ngày 18/01/2022 15:16 GMT+7

VTV.vn - Quỹ VinFuture đã mời được những tên tuổi lớn trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ tham gia hội đồng giải thưởng VinFuture.

Tuần lễ Khoa học VinFuture, nằm trong chuỗi sự kiện lễ trao giải VinFuture lần thứ I, sẽ diễn ra từ ngày 18 - 21/01/2022 tại Hà Nội. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng lớn đến từ các tổ chức giáo dục, nghiên cứu và các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, sẽ quy tụ tại Việt Nam để tham gia 4 hoạt động chính của Tuần lễ Khoa học VinFuture, gồm: Giao lưu cùng Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo; Tọa đàm "Khoa học vì Cuộc sống"; Lễ Trao giải VinFuture lần thứ I và Giao lưu cùng Chủ nhân giải thưởng VinFuture.

Cha đẻ công nghệ OLED và chủ nhân giải Nobel Vật lý 2018 đến Việt Nam

Trong số những tên tuổi các nhà khoa học hàng đầu đến Việt Nam, trước hết phải kể đến GS, Sir Richard Henry Friend, nhà khoa học vật lý đang làm việc tại Đại học Cambridge (Anh). Ông là Giám đốc Chương trình Winton về Vật lý bền vững của Trung tâm Maxwell thuộc Đại học Cambridge.

GS Richard Henry Friend là một trong các nhà vật lý có ảnh hưởng nhất thế giới với hơn 20 bằng sáng chế, 164.623 trích dẫn khoa học trong các công bố khoa học uy tín trên thế giới và là tác giả/đồng tác giả của hơn 1.000 ấn phẩm khoa học.

Những tinh hoa công nghệ góp mặt tại VinFuture - Ảnh 1.

Trong đó, ông được biết đến nhiều nhất là nghiên cứu về OLED được sử dụng để phát triển màn hình phẳng, màn hình cuộn và màn hình chuyển động. Ứng dụng được biết đến nhiều nhất là TV màn hình OLED. Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture, GS Richard Henry Friend sẽ có mặt tại Việt Nam để tham dự chuỗi sự kiện trong lễ trao Giải VinFuture lần thứ nhất.

Một tên tuổi lớn khác không thể không kể tới là GS Gérard Mourou, chủ nhân Giải Nobel Vật lý 2018. Ông được đánh giá là người tiên phong trong lĩnh vực kỹ thuật điện và laser.

Năm 2018, GS Gérard Mourou được trao Giải Nobel Vật lý cùng với đồng nghiệp của mình (GS Donna Strickland) nhờ phát minh ra phương pháp khuếch đại xung chirped, một "phương pháp tạo ra xung quang cực ngắn, cường độ cao". Công trình sáng tạo của họ có thể được tìm thấy trong các ứng dụng bao gồm phẫu thuật sửa mắt và dự kiến sẽ có tác động đáng kể đến liệu pháp điều trị ung thư và các nghiên cứu vật lý khác trong tương lai.

Những tinh hoa công nghệ góp mặt tại VinFuture - Ảnh 2.

GS Gérard Mourou được trao Giải Nobel Vật lý năm 2018

Không chỉ tham gia hội đồng giải thưởng, sắp tới, GS Mourou cũng sẽ lần đầu đến Việt Nam, tham dự các hoạt động trong chuỗi sự kiện lễ trao giải VinFuture lần thứ 1.

Những tên tuổi lớn quy tụ ở giải thưởng đẳng cấp

Ngoài ra, Hội đồng Giải thưởng VinFuture còn có GS Michael Porter, nhà kinh tế học đang làm việc tại Trường Kinh doanh Harvard, Đại học Harvard. Ông là cha đẻ học thuyết "chiến lược cạnh tranh toàn cầu"; GS Leslie Valiant, Đại học Harvard, một nhà khoa học máy tính và nhà lý thuyết tính toán người Mỹ gốc Anh, nổi tiếng với công trình nghiên cứu về khoa học máy tính lý thuyết; GS T. Jefferson Coolidge chuyên ngành khoa học máy tính và toán ứng dụng tại Đại học Harvard, chủ nhân Giải thưởng A.M. Turing năm 2010; Tiến sĩ Xuedong David Huang, nhà nghiên cứu về nhận diện giọng nói, xử lý ngôn ngữ và dịch máy hàng đầu trên thế giới...

Những tinh hoa công nghệ góp mặt tại VinFuture - Ảnh 3.

GS Michael Porter - Cha đẻ học thuyết "chiến lược cạnh tranh toàn cầu"

Đại diện cho các nhà khoa học nữ, Giáo sư Jennifer Tour Chayes, Phó trưởng Khoa Máy tính, Khoa học Dữ liệu và Xã hội, Trưởng khoa Thông tin của trường Đại học California, Berkeley cũng là một tên tuổi nổi tiếng trong giới khoa học toàn cầu. Tại trường UC Berkerly, bà là Giáo sư của 4 khoa: Kỹ thuật điện và Khoa học Máy tính, Thông tin, Toán học và Thống kê.

Trong suốt 23 năm, Giáo sư Chayes giữ cương vị Giám đốc điều hành của Microsoft Research New England ở Cambridge, Massachusetts; Microsoft Research ở New York, Microsoft Research ở Montreal – cả ba trung tâm nghiên cứu này đều do chính bà thành lập.

Bà là tác giả của hơn 140 bài báo khoa học và đồng phát minh khoảng 30 bằng sáng chế.

Những tinh hoa công nghệ góp mặt tại VinFuture - Ảnh 4.

Giáo sư Jennifer Tour Chayes, Phó trưởng Khoa Máy tính, Khoa học Dữ liệu và Xã hội, Trưởng khoa Thông tin của trường Đại học California, Berkeley

Trong khi đó, Giáo sư Pascale Cossart được đánh giá là nhà nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực vi sinh vật học tế bào. Bà đã đóng góp đáng kể cho kho tàng tri thức y sinh của nhân loại bằng các phân tích quá trình và cách vi khuẩn lây nhiễm và tồn tại bên trong tế bào chủ. Hiện bà đang là Giáo sư Danh dự và Trưởng khoa Tế bào của Viện Pasteur (Paris, Pháp).

Đặc biệt, trong số các nhà khoa học tham gia Hội đồng Giải thưởng VinFuture có 2 nhà khoa học người Việt nổi tiếng thế giới đó là GS Vũ Hà Văn và GS Đặng Văn Chí.

GS Vũ Hà Văn - một trong những nhà khoa học Việt Nam đẳng cấp thế giới - là nhà toán học và khoa học dữ liệu tại Đại học Yale, Mỹ, đồng thời là Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn (Tập đoàn Vingroup). GS Vũ Hà Văn nổi tiếng với các công trình số học tổ hợp và tổ hợp xác suất, lý thuyết ma trận ngẫu nhiên và các ứng dụng của chúng trong khoa học tính toán. Ông đã đạt được nhiều thành tựu xuất sắc và được bầu làm thành viên danh dự của Hiệp hội Toán học Mỹ và Hiệp hội Toán học thống kê.

Những tinh hoa công nghệ góp mặt tại VinFuture - Ảnh 5.

Hội đồng Giải thưởng VinFuture gồm các nhà khoa học, nhà phát minh uy tín quốc tế đến từ các tổ chức giáo dục, nghiên cứu và các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.

GS Đặng Văn Chí là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khoa học của Viện Ung thư quốc gia Mỹ, Giám đốc Khoa học, đồng thời là Tổng Biên tập Tạp chí nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu ung thư Ludwig.

Ông là nhà khoa học nghiên cứu về ung thư và nhà huyết học-ung thư học nổi tiếng toàn cầu. Các nghiên cứu của GS Đặng Văn Chí tập trung tìm ra "bí mật" về quá trình trao đổi chất của các tế bào ung thư, đặc biệt là với tác động từ đường (glucozo). Nghiên cứu này đã giúp giải thích một dấu hiệu của bệnh ung thư được gọi là "hiệu ứng Warburg". Hiện nay, các liệu pháp được đưa ra dựa trên công trình này đang trong các giai đoạn phát triển lâm sàng.

GS Vũ Hà Văn và GS Đặng Văn Chí sẽ tham gia trực tiếp chuỗi sự kiện Giải thưởng VinFuture.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước