"Nhiều doanh nghiệp muốn phát triển công nghệ nhưng không dám làm"

P.V (Tổng hợp)-Thứ năm, ngày 09/05/2019 19:01 GMT+7

Toàn cảnh Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam

VTV.vn - Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp cho rằng, trong khi các nước có nhiều ưu đãi thì tại Việt Nam nhiều doanh nghiệp không dám làm do những hạn chế trong chính sách.

Phát biểu tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với chủ đề: "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng vì một Việt Nam hùng cường", những ý kiến của ông Nguyễn Thế Tân được nhiều doanh nghiệp đồng tình.

Theo ông Tân, trên thị trường công nghệ Việt Nam hiện nay đang có sự góp mặt của các công ty outsource, các công ty công nghệ xuyên biên giới và doanh nghiệp công nghệ trong nước. Nhưng các chính sách dành cho công ty sáng tạo công nghệ Việt Nam đang ở mức kém nhất.

Ông Tân đưa ra dẫn chứng, ở Trung Quốc, doanh nghiệp sáng tạo công nghệ đang được hưởng mức bảo hộ ưu đãi thuế; ở Mỹ, Amazon lợi nhuận hàng tỷ USD, đóng thuế 0 đồng. Trong khi đó ở Việt Nam, mức thuế mà những doanh nghiệp công nghệ như chúng tôi phải đóng dao động từ 15 - 20% doanh thu, chứ không phải là 15 - 20% tính trên lợi nhuận như các nước. Nguyên nhân vì thuế VAT và thu nhập doanh nghiệp đang áp dụng rất cao.

Ông khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được như các nước phát triển công nghệ trên thế giới. Tiêu biểu như Vingroup có thể sản xuất tự động hóa 4.0, Viettel tự làm thiết bị mạng 5G... Trong mảng nội dung số có VNG với Zalo, VCCorp với nền tảng quảng cáo bằng công nghệ, hệ thống phân phối nội dung và hàng chục công ty khác. Theo ông, Việt Nam có tiềm năng bởi sở hữu hàng trăm công ty khác trong nhiều lĩnh vực cùng đội ngũ hàng trăm nghìn lập trình viên.

Cũng liên quan đến những ưu đãi về chính sách dành cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Thành (Trưởng phòng chính sách công và quản lý Fulbright) cho rằng: "Để phát triển các cụm ngành công nghệ sáng tạo, ngoài các yếu tố nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng để phát triển công nghệ, yếu tố tài chính cũng rất quan trọng".

Ông Thành đưa ra đề xuất, Chính phủ có thể khuyến khích doanh nghiệp công nghệ phát triển bằng chính sách thuế, chẳng hạn như ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho lực lượng nhân lực công nghệ, hay ưu đãi thuế cho các hoạt động R&D của doanh nghiệp…

Tham dự và lắng nghe toàn bộ những ý kiến tham luận của các đại biểu trong buổi sáng 9/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ cùng các bộ liên quan sớm ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm tạo thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ. Muốn có doanh nghiệp công nghệ cần tạo ra thị trường. Đầu tiên và then chốt nhất là hoàn thiện nền kinh tế thị trường, đổi mới sáng tạo. Sau đó là hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Thủ tướng cũng đồng ý với chủ trương thí điểm xây dựng khu công nghiệp, công nghệ sáng tạo để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, cần đổi mới giáo dục để nâng cao năng lực tiếp cận. Chính phủ sẽ đưa các vấn đề cụ thể như liên kết, kêu gọi các doanh nghiệp hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm... Cần nghiên cứu cơ chế chính sách thu hút nhân lực nước ngoài, thúc đẩy doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước