Chia sẻ về Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2019, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy tiết lộ: "Chuyên gia hàng đầu thế giới như Giám đốc công nghệ tập đoàn Siemens sẽ đến diễn thuyết về trí tuệ nhân tạo, dự kiến còn có sự tham gia của người sáng lập trò Angry Bird cũng sẽ trình bày trong Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2019".
Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt nam 2019 sẽ diễn ra từ ngày 15 - 16/8 tại khuôn viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
"Trong hai ngày này sẽ diễn ra hàng loạt sự kiện với định hướng hình thành và định hướng trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam; kết nối các nhà khoa học Việt Nam cũng như các nhà khoa học trên thế giới, các doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng về lĩnh vực này. Ngoài ra, cuộc đua số, xe không người lái, máy bay, robot… được trình diễn tại Hội chợ triển lãm ngoài trời trong khuôn khổ Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2019", ông Duy cho biết thêm.
Cũng tại cuộc Họp báo thường kỳ Quý II năm 2019 nhằm cung cấp thông tin về các kết quả hoạt động của Bộ KH&CN trong Quý II, kế hoạch hoạt động Quý III/2019 vào sáng 18/7, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chủ trì buổi họp báo cũng cho biết, theo kế hoạch, dự kiến trong Quý III/2019, bên cạnh việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về KH&CN, Bộ KH&CN sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị giao ban vùng Đông Nam Bộ 2019 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Mô hình tăng trưởng của doanh nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo; Hội nghị phát triển thị trường KH&CN; Techfest Vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du Miền núi phía Bắc; Techfest Vùng Tây Nguyên; Techfest Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Techfest Vùng Đông Nam Bộ…
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chia sẻ tại buổi họp báo
Trong Quý II, Bộ KH&CN đã tập trung xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thực thi các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp KH&CN; xây dựng Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia; thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; xây dựng chính sách để hạn chế nhập khẩu máy móc, công nghệ lạc hậu; phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình; thu hút nguồn lực xã hội, đặc biệt từ các doanh nghiệp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ...
Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ Công Thương hoàn thiện, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ để thi hành một số cam kết trong Hiệp định CPTPP (đạt 100% đại biểu có mặt). Đồng thời, đã hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ngày 19/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng; Nghị định số 41/2019/NĐ-CP ngày 15/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện đánh giá và điều chỉnh quy hoạch phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử; Nghị định số 51/2019/NĐ-CP ngày 13/6/2019 thay thế Nghị định số 93/2014/NĐ-CP và Nghị định số 64/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động KH&CN và chuyển giao công nghệ; Nghị định số 60/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30/7/2014 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ.
Cùng với đó, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt, ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030; Chỉ thị về phát huy Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, hỗ trợ và thúc đẩy tinh thần sáng tạo, hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty; Quyết định phê duyệt Đề án phòng ngừa và ứng phó sự cố phóng xạ xuyên biên giới.
Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ký ban hành Thông tư số 01/2019/TT-BKHCN ngày 30/5/2019 quy định an ninh nguồn phóng xạ; Hướng dẫn các địa phương triển khai Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc được phê duyệt theo Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ...
Cùng với công tác xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về KH&CN, Bộ KH&CN đã tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như Lễ ra mắt Trung tâm Đổi mới Sáng tạo về Internet vạn vật (IoT Innovation Hub); phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tổ chức "Tọa đàm đối thoại với các doanh nghiệp công nghệ của Hoa Kỳ"; trao giải cuộc thi Sáng chế năm 2018; Chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ XII; Hội thảo khoa học "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam: một số cơ hội và thách thức"; Hội thảo "Robot và ứng dụng trí tuệ nhân tạo - Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam"; Hội nghị "Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam"; Lễ kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam, trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 và Giải thưởng Báo chí về KH&CN 2018; Ngày hội STEM 2019 với chủ đề "Nguyên tố bí ẩn"; Khóa họp thứ II Ủy ban hợp tác giáo dục, khoa học và công nghệ Việt Nam - Liên bang Nga; Hội thảo "Sự kết hợp của giải mã gen và trí tuệ nhân tạo - một cách tiếp cận mới trong chăm sóc sức khỏe"; Chuỗi sự kiện trong Hội nghị giao ban KH&CN vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; Lễ vinh danh 75 doanh nghiệp xuất sắc được Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2018 và Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương; ký kết và trao các văn kiện hợp tác về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực với các đối tác Thụy Điển trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, Na Uy, Thụy Điển của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân từ ngày 21 - 28/5…
Cũng trong Quý II, một doanh nghiệp được đào tạo và trưởng thành từ Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam - Phần Lan, Giai đoạn 2 (IPP2) thuộc Bộ KH&CN đã vinh dự vượt qua hơn 40 quốc gia trên thế giới để trở thành quán quân của Startup World Cup (San Francisco) giành giải thưởng 1.000.000 USD đầu tư. Đó là Abivin - startup cung cấp phần mềm quản lý chuỗi cung ứng tối ưu vận tải. Sự kiện này là mốc quan trọng khẳng định sự thay đổi hoàn toàn về chất lượng khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, đưa khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam lên bản đồ của thế giới.
Để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, Bộ KH&CN đã triển khai phát hành văn bản điện tử của Bộ KH&CN tới 95 cơ quan, đơn vị tham gia Trục liên thông văn bản quốc gia. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), giúp các doanh nghiệp tăng cường năng lực, chủ động hội nhập thương mại quốc tế, là công cụ quan trọng để bảo đảm hoạt động quản lý theo chuẩn mực, công khai, minh bạch và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Tính đến ngày 05/6/2019, đã thẩm định 185 TCVN, công bố 40 TCVN do các bộ, ngành xây dựng; làm thủ tục đề nghị thành lập lại và thay đổi thành viên của 14 Ban kỹ thuật và Tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia; tiếp nhận, thẩm tra các hồ sơ và tổ chức thẩm định 19 dự thảo QCVN của các bộ, ngành; góp ý 35 TCVN của các bộ, ngành; góp ý 20 QCVN của các bộ, ngành và 10 quy chuẩn địa phương (QCĐP) của các địa phương. Hướng dẫn các địa phương triển khai Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc được phê duyệt theo Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ; Tổ chức lớp tập huấn về truy xuất nguồn gốc.
Cũng tại buổi Họp báo, Lãnh đạo Bộ KH&CN, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ trả lời trực tiếp những vấn đề báo chí và dư luận quan tâm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!