Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024: Đảm bảo an toàn thông tin là yêu cầu cấp thiết

Phi Long-Thứ năm, ngày 21/11/2024 14:48 GMT+7

VTV.vn - Ngày 21/11, Hội thảo - Triển lãm Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024 đã diễn ra tại Hà Nội với chủ đề "An toàn thông tin cho hạ tầng dữ liệu và nền tảng số quốc gia".

Vào ngày 2/2/2024 Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Dữ liệu quốc gia đến năm 2030, xác định dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia, tạo ra giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hạ tầng dữ liệu là một bộ phận hết sức quan trọng của hạ tầng số. Vì vậy, Chiến lược đặt mục tiêu xây dựng hạ tầng dữ liệu mạnh mẽ, kết nối, chia sẻ và an toàn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.

Cụ thể, Chiến lược Dữ liệu quốc gia hướng đến mục tiêu xây dựng một hạ tầng dữ liệu vững chắc, kết nối toàn diện các trung tâm dữ liệu trên cả nước, tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực tính toán, xử lý dữ liệu lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh xây dựng hạ tầng dữ liệu, các nền tảng số quốc gia được phát triển nhằm mục tiêu hình thành hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để tạo hạ tầng mềm phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số quốc gia. Năm 2024 được coi là năm phổ cập hạ tầng số, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số quốc gia dùng thống nhất trên toàn quốc và phạm vi mỗi địa phương, góp phần nâng cao năng lực quản trị dữ liệu,

Đối với cả hai vấn đề trên, an toàn thông tin cần được đặt lên hàng đầu. Tất cả các cơ sở dữ liệu quan trọng và các nền tảng số quốc gia phải được bảo vệ theo quy định tại Luật An toàn thông tin và Luật An ninh mạng.

Năm bắt xu thế đó, Hội thảo - Triển lãm Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024 được Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức với chủ đề "An toàn thông tin cho hạ tầng dữ liệu và nền tảng số quốc gia".

Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024: Đảm bảo an toàn thông tin là yêu cầu cấp thiết - Ảnh 1.

Hội thảo Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024 là sự kiện hàng đầu, nổi bật nhất về an toàn, an ninh mạng trong năm tại Việt Nam

Là một diễn đàn thường niên quan trọng, được sự quan tâm của cộng đồng an toàn, an ninh mạng trong nước và quốc tế, Hội thảo - Triển lãm Ngày An toàn thông tin Việt Nam năm nay hướng tới góp phần tạo ra môi trường chuyển đổi số an toàn, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cho rằng: "Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045. Trong hành trình này, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số đóng vai trò đột phá chiến lược, là động lực then chốt để Việt Nam bứt phá vươn lên, sánh vai cùng các cường quốc. Với dân số trẻ, năng động và khả năng tiếp thu công nghệ nhanh nhạy, Việt Nam đang nắm giữ lợi thế to lớn trong kỷ nguyên số. Sự phát triển vượt bậc của hệ sinh thái số Việt Nam, cùng những nền tảng công nghệ Make in Vietnam đang từng bước khẳng định vị thế không chỉ trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế. Đây chính là minh chứng cho tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc" của người Việt Nam trong thời đại mới".

Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024: Đảm bảo an toàn thông tin là yêu cầu cấp thiết - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương phát biểu chỉ đạo tại sự kiện

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, trong kỷ nguyên của những biến chuyển nhanh chóng này, hạ tầng dữ liệu và nền tảng số đã trở thành trụ cột then chốt cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh đó, bảo đảm an toàn thông tin cho hạ tầng dữ liệu và nền tảng số quốc gia trở thành yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết - không đơn thuần là vấn đề kỹ thuật mà còn là yếu tố quan trọng bảo đảm chủ quyền quốc gia trong không gian số.

Năm 2024 đánh dấu bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong lĩnh vực an toàn thông tin, thể hiện qua việc vươn lên vị trí 17/194 quốc gia về xếp hạng an ninh mạng toàn cầu. Những nỗ lực không ngừng của chúng ta đã mang lại kết quả đáng khích lệ. Số vụ tấn công mạng trong chín tháng đầu năm đã giảm 55% so với cùng kỳ năm trước. Hệ thống giám sát quốc gia đã xử lý hơn 10,5 tỷ bản tin, ngăn chặn thành công hơn 14.552 website độc hại, bảo vệ an toàn cho hơn 11,32 triệu người dùng.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Nạn lừa đảo trực tuyến vẫn diễn biến phức tạp với hàng trăm nghìn lượt phản ánh. Việc hơn 90% camera giám sát có nguồn gốc nước ngoài đang đặt ra những lo ngại về bảo mật dữ liệu quốc gia. Đáng chú ý, nguồn nhân lực an ninh mạng của Việt Nam còn khá khiêm tốn với khoảng 38.000 người, chủ yếu tập trung ở khu vực tư nhân.

Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024: Đảm bảo an toàn thông tin là yêu cầu cấp thiết - Ảnh 3.

Hội thảo Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024 thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng an toàn, an ninh thông tin trong nước và quốc tế

Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương đưa ra một số giải pháp trọng tâm trong việc bảo vệ hạ tầng dữ liệu và nền tảng số quốc gia trong giai đoạn tới:

- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý về bảo vệ hạ tầng số trọng yếu quốc gia. Các cơ quan, tổ chức phải rà soát, đánh giá tổng thể hiện trạng các hệ thống thông tin và triển khai đảm bảo an toàn theo cấp độ. Đặc biệt với các nền tảng số quốc gia phải tuân thủ nghiêm nguyên tắc: hệ thống chưa an toàn thì chưa đưa vào sử dụng.

- Xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo sớm cho hạ tầng số quốc gia. Các cơ quan, tổ chức cần tăng cường đầu tư cho an toàn thông tin, đặc biệt là các hệ thống phát hiện và phòng chống tấn công mạng tự động, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Theo chỉ thị của Thủ tướng, cần đảm bảo chi ít nhất 10% ngân sách CNTT cho an toàn thông tin.

- Tổ chức thực thi hiệu quả, thực chất, thường xuyên, liên tục công tác bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp, đặc biệt là nâng cao năng lực của lớp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp và duy trì liên tục, ổn định kết nối, chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát quốc gia.

- Xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố đối với hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý theo quy định. Triển khai phương án sao lưu định kỳ hệ thống và dữ liệu quan trọng để kịp thời khôi phục hoạt động của hệ thống khi bị tấn công mạng, nhất là mã hóa dữ liệu.

- Thường xuyên, liên tục sử dụng các Nền tảng về an toàn thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông phát triển, cung cấp để hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp gồm: Nền tảng quản lý và phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro an toàn thông tin, Nền tảng diễn tập An toàn thông tin Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, các cuộc tấn công mạng liên tục phát triển với mức độ ngày càng tinh vi phức tạp, đặc biệt khi có sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI), nguy cơ chúng ta phải đối mặt sẽ ngày càng tăng theo cấp số nhân. Vì vậy, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh, mọi cơ quan, tổ chức cần liên tục cải thiện năng lực an toàn thông tin, chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn thông tin và duy trì công tác này một cách liên tục.

Hội thảo Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024 gồm 1 phiên toàn thể, 3 phiên chuyên đề. Trong đó, phiên hội thảo toàn thể với chủ đề "An toàn thông tin cho hạ tầng dữ liệu và nền tảng số quốc gia" gồm báo cáo chính do ông Trần Quang Hưng - quyền Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) trình bày, phân tích về hiện trạng bảo đảm an toàn thông tin tại Việt Nam và các khuyến nghị của cơ quan quản lý nhà nước.

Nhiều báo cáo, tham luận đến từ các nhà quản lý, chuyên gia cao cấp về an toàn thông tin được trình bày tại hội thảo

Bên cạnh đó là những tham luận do các nhà quản lý, chuyên gia cao cấp về an toàn thông tin của các doanh lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, an toàn thông tin Việt Nam và nước ngoài trình bày, đến từ các công ty, tổ chức như: Công ty An ninh mạng Viettel, Trung tâm An toàn thông tin - VNPT, Opwat, Huawei, Fortinet và Quỹ châu Á.

Một trong những điểm nhấn quan trọng của hội thảo là lễ khai trương Nền tảng hỗ trợ diễn tập thực chiến an toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông, do Cục An toàn thông tin thực hiện.

Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024: Đảm bảo an toàn thông tin là yêu cầu cấp thiết - Ảnh 5.

Lễ khai trương Nền tảng hỗ trợ diễn tập thực chiến an toàn thông tin

Nền tảng cung cấp miễn phí kho tri thức và thông tin cần thiết hỗ trợ hoạt động diễn tập. Nền tảng không chỉ giúp quản lý và tổ chức hoạt động này một cách chuyên nghiệp mà còn số hóa quy trình, chuẩn hóa kỹ thuật và kết nối các chuyên gia với tổ chức an toàn thông tin. Với nền tảng này, Cục An toàn thông tin hướng tới nâng cao chất lượng và điều phối hiệu quả các hoạt động diễn tập trên toàn quốc.

Trong khuôn khổ phiên toàn thể còn diễn ra lễ trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tặng trao hoa chúc mừng của VNISA cho các đội đạt giải Nhất, Nhì trong Cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2024.

Cuộc thi năm nay có sự tham dự của cả 10 nước ASEAN với 248 đội thi. Ban tổ chức cuộc thi đã trao 39 phần thưởng cho các đội đạt giải tại lễ tổng kết cuộc thi vào ngày 19/10/2024. Đặc biệt, các đội thi Việt Nam đạt giải cao sẽ được VNISA đề cử tham gia nhiều cuộc thi quốc tế về an toàn thông tin.

Một điểm nhấn khác tại sự kiện là tọa đàm chính với chủ đề "Phòng chống thất thoát dữ liệu và lửa đảo trực tuyến" do lãnh đạo Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam chủ trì, với sự tham gia của lãnh đạo Vụ Thanh toán, Ngân hàng nhà nước và các chuyên gia an toàn thông tin cao cấp từ Cymetrics, Imperva và Energy Logserver.

Ngoài ra, phiên chuyên đề với nội dung "Đẩy mạnh hợp tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng" do Hiệp Hội An toàn thông tin Việt nam và Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đồng chủ trì cũng thu hút sự quan tâm của các đại biểu. Phiên này có sự tham gia của Cục Trẻ em (Bộ Lao đông, Thương binh và Xã hội) và các tổ chức, doanh nghiệp như World Vission Việt Nam, Childfund Việt Nam, Save the Children, MSD, VNPT- IT…

Không gian triển lãm, giới thiệu các giải pháp công nghệ an toàn thông tin tại sự kiện

Phiên hội thảo chuyên đề diễn ra song song vào buổi chiều với các chủ đề: "Ứng dụng AI bảo đảm an toàn thông tin trong những ngành kinh tế trọng yếu" do và Lãnh đạo Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng) và đại diện Cục An toàn thông tin đồng chủ trì, gồm 6 tham luận của các chuyên gia đến từ Cyble, Veritas, Trellix, softlien, Positive Technologies, MK, Algosec; "Bảo vệ dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế số" do lãnh đạo Cục quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã (Ban Cơ yếu Chính phủ) và lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ công an) đồng chủ trì, với các tham luận của công ty Broadcom, Kaspersky, An ninh mạng CMC, Thales,Comforte và Checkpoint.

Cuối phiên chiều là tọa đàm với chủ đề "Bảo vệ dữ liệu và bảo đảm an toàn thông tin cho các hạ tầng trọng yếu", nhằm phân tích, chia sẻ sâu sắc hơn những vấn đề đã được trình bày trong hai phiên chuyên đề và giải đáp những thắc mắc của khách mời.

Hội thảo năm nay có sự tham gia của gần 40 diễn giả là lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng. Bên cạnh đó còn có hơn 30 gian hàng triển lãm, giới thiệu các giải pháp công nghệ an toàn thông tin tiên tiến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ra mắt bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát Ra mắt bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát

VTV.vn - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có Quyết định số 724/QĐ-BTTTT về ban hành Bộ tiêu chí về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước