Kết quả khảo sát từ 15.000 nhà bán hàng trên toàn quốc của Sapo chỉ ra rằng, 59% nhà bán hàng rất lạc quan về tình hình kinh doanh năm 2025. Vì vậy, đông đảo nhà bán hàng muốn mở rộng kinh doanh thay vì tiết kiệm chi phí: 46% muốn mở thêm kênh bán, 45,8% dự định sẽ đa dạng mặt hàng và 30,8% muốn mở rộng quy mô, thêm chi nhánh, nhân viên.
Bà Lê Thị Dung, Giám đốc Tăng trưởng, Sapo, chia sẻ: "Nhà bán hàng cần không chỉ hiện diện đa kênh mà còn tích hợp sâu giữa các kênh, lấy người mua làm trung tâm để tạo trải nghiệm liền mạch, nâng cao cạnh tranh và doanh thu. Hợp kênh giúp tập trung dữ liệu khách hàng để xây dựng chương trình loyalty, tăng tỷ lệ mua lại và tối đa hóa doanh thu. Quản lý bán hàng hợp kênh là xu thế tất yếu của ngành bán lẻ."
Để bắt nhịp nhanh chóng với thị trường và đạt được mục tiêu doanh thu như kỳ vọng, nhà bán hàng nên ưu tiên áp dụng công nghệ và chăm sóc khách hàng trong mức phù hợp với ngân sách, đảm bảo được lợi nhuận và chi phí không bị đội lên quá cao.
Áp dụng công nghệ phù hợp với quy mô kinh doanh hiện tại: Nhà bán hàng nên cân nhắc giải pháp công nghệ phù hợp với quy mô và khả năng tài chính, đồng thời dễ dàng mở rộng tính năng khi cần thiết. Đầu tư công nghệ có thể giúp giảm bớt gánh nặng chi phí nhân sự và tạo ra hiệu quả doanh thu cao hơn. Nhu cầu tất yếu của phần lớn nhà bán hàng là tích hợp các hệ thống công nghệ lên phần mềm quản lý bán hàng, từ CRM quản lý thông tin khách hàng hay quản lý hoá đơn điện tử đến quản lý nhân sự, chấm công, tính lương. Một công cụ có thể giải quyết nhiều bài toán cho nhiều mô hình, từ cá nhân, hộ kinh doanh đến doanh nghiệp.
Tập trung vào chiến lược nâng cao trải nghiệm khách hàng, chương trình khách hàng thân thiết để giữ chân khách hàng: Thay vì chạy theo các chương trình chăm sóc khách hàng tốn kém, nhà bán hàng có thể triển khai các hình thức khuyến mại nhỏ như giảm giá theo combo sản phẩm hoặc tặng quà đi kèm chi phí thấp. Những chương trình đơn giản nhưng nhắm đúng nhu cầu khách hàng có thể làm tăng tần suất mua sắm đáng kể. Với nhà bán hàng nhỏ lẻ, các chương trình giảm phí vận chuyển nội thành hoặc khuyến mại giờ vàng cũng có thể mang lại hiệu quả mà không cần chi tiêu quá lớn.
Tăng cường khai thác thương mại xã hội (social commerce) để giảm áp lực thuế phí, sáng tạo nội dung, tận dụng các nguồn quảng bá chi phí thấp: Nhà bán hàng nhỏ lẻ có thể tận dụng các buổi livestream, video ngắn hoặc tiếp thị liên kết (affiliate) trên Facebook và TikTok để tương tác trực tiếp với khách hàng, xây dựng uy tín thương hiệu và gia tăng doanh thu mà không cần chi nhiều cho quảng cáo trả phí. Ngoài ra, việc kết hợp các chương trình khuyến mại nhỏ như tặng quà hoặc giảm giá trong phiên phát trực tiếp có thể thu hút nhiều khách hàng tiềm năng hơn, giúp tăng cơ hội chuyển đổi đơn hàng hiệu quả.
Bà Lê Thị Nga, Giám đốc Sapo Social Commerce & Shipping chia sẻ “Các buổi livestream có nội dung sáng tạo và tương tác với khách hàng qua minigame có thể tăng tỷ lệ xem đến 35% so với các buổi chỉ giới thiệu sản phẩm thông thường. Khi kết hợp với các dịch vụ vận chuyển nhanh và chính xác, nhà bán hàng sẽ tạo ra một chuỗi giá trị hoàn chỉnh, từ việc tiếp cận khách hàng đến giao hàng tận nơi, giúp tăng sự hài lòng và trung thành của khách hàng.”
Năm 2025 là một năm đầy thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho ngành bán lẻ tại Việt Nam. Sự thay đổi hành vi người tiêu dùng trong kỷ nguyên số hướng tới hành trình mua hàng liền mạch, giàu trải nghiệm. Họ kỳ vọng vào các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giao hàng nhanh và dịch vụ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp. Nhà bán hàng cần tập trung vào chiến lược số hóa, tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng và linh hoạt thích ứng với xu hướng mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!