Đề xuất này được đưa ra ngay sau vụ xả súng đẫm máu mới đây tại một trường học ở thành phố Kazan, thủ phủ Cộng hoà Tatarstan thuộc Liên bang Nga, khiến nhiều trẻ em thiệt mạng.
Theo thông tin từ người đứng đầu Cộng hoà Tatarstan, ông Rustam Minnikhanov, vào cuối ngày 11/5, đã có 9 người thiệt mạng trong vụ xả súng tại trường học số 175 ở Kazan. Kẻ tấn công là thanh niên 19 tuổi - một học sinh cũ của nhà trường và là sinh viên IT của một trường cao đẳng trong thành phố nhưng vừa bị đuổi học vào tháng 4 vừa qua.
Báo chí địa phương cho biết, khi bị bắt giữ, thủ phạm có những biểu hiện không bình thường, luôn tự xưng là chúa trời và căm ghét tất cả mọi người. Theo thông tin từ người nhà, kẻ phạm tội sử dụng hầu hết thời gian trên không gian mạng và chính hắn thừa nhận đã học cả cách chế tạo bom qua Internet.
Theo Thượng nghị sĩ Aleksander Bashkin của Hội đồng Liên bang Nga, môi trường Internet, đặc biệt là văn hóa nhóm tội phạm trong không gian mạng với những trò chơi bạo lực là điều cực kỳ nguy hiểm đối với tâm lý thiếu niên.
Đây không phải là lần đầu tiên ở Liên bang Nga xảy ra một vụ thảm sát ở trường học mà thủ phạm là một học sinh cũ. Từ năm 2014, sau một vụ xả súng ở một trường học tại Moscow, các nhà chức trách đã phải tăng cường các biện pháp an ninh tại các cơ sở giáo dục. Theo Cơ quan an ninh Liên bang Nga, đã có khoảng 50 cuộc tấn công vào các trường học cơ sở giáo dục kể từ năm 2018 cho đến nay. Đứng sau những sự vụ này là các thanh thiếu niên.
Nguy cơ tội phạm đối với thanh thiếu niên ở Nga đang tăng lên. Uỷ ban điều tra Nga vào cuối năm ngoái đã đưa ra nhận định này. Một phần nguyên nhân được cho là trong điều kiện thực hiện cách ly vì đại dịch COVID-19, các em thường xuyên phải ngồi nhà và thời gian tiếp xúc với Internet cũng nhiều hơn. Nhiều trẻ em trở thành nạn nhân của thói côn đồ trong quá trình học từ xa hay bị dụ dỗ thông qua các trò chơi trực tuyến.
Ngoài ra, theo cơ quan an ninh mạng, vẫn có các "nhóm tử thần" hoạt động trên mạng xã hội. Đó là những hội nhóm, mà kẻ điều hành mượn những trò chơi điện tử để lôi kéo và thao túng trẻ em, khuyến khích các em thực hiện những nhiệm vụ nguy hiểm, có thể dẫn đến thương vong.
Trong khi đó, theo thống kê từ Bộ Nội vụ Nga, mỗi năm ở nước này có khoảng 40 nghìn vụ phạm tội do thanh thiếu niên tổ chức hoặc tham gia thực hiện. Trong 2 - 3 năm gần đây, số lượng có giảm nhưng mức độ nghiêm trọng lại gia tăng, được cho là do ảnh hưởng tiêu cực của Internet. Chỉ tính riêng năm ngoái, đã có hơn 25 nghìn trang web có nội dung tiêu cực đối với thanh thiếu niên bị chặn ở Nga nhưng thực tế chúng vẫn đang mọc lên như nấm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!