Đáng chú ý, nước Mỹ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn - ngành được coi là đóng vai trò quan trọng giúp các nước tự chủ về công nghiệp.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ủng hộ sáng kiến đầu tư 52 tỷ USD vào việc sản xuất linh kiện bán dẫn và 45 tỷ USD khác để ngăn chặn tình trạng khan hiếm các loại "hàng hóa quan trọng" trên thị trường Mỹ cũng như tổ chức sản xuất những mặt hàng đó tại Mỹ. Ông Biden đánh giá Hạ viện đã thực hiện một bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy dự luật nhằm tăng cường chuỗi cung ứng và thổi một luồng sinh khí mới vào động cơ đổi mới sáng tạo của nền kinh tế.
Các đề xuất này sẽ giúp giành lại việc làm trong ngành công nghiệp Mỹ và tháo gỡ những hạn chế trong chuỗi tiêu thụ, bao gồm cả chất bán dẫn.
Chính quyền Mỹ hiện đang thúc đẩy việc tăng cường năng lực sản xuất chip trong nước nhằm giảm phụ thuộc vào chip nhập khẩu.
Tuần trước, tập đoàn Intel (Mỹ) đã công bố kế hoạch đầu tư 20 tỷ USD để xây dựng nhà máy mới ở bang Ohio, phục vụ sản xuất dòng chip riêng của hãng, cũng như mảng kinh doanh gia công mới, chuyên sản xuất chip do các công ty khác thiết kế. Đây là một trong những khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay vào ngành bán dẫn ở Mỹ, dự kiến tạo ra 3.000 việc làm lâu dài trong khu vực.
"Suy cho cùng, dự án này góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, an ninh kinh tế và tạo ra việc làm - những công việc tử tế, được trả lương cao, giúp mọi người có thể nuôi gia đình. Đó là công việc bây giờ, công việc của tương lai và công việc ở khắp mọi nơi trên đất nước, công việc đưa ngành công nghiệp vùng Trung Tây trở lại" - Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh.
Nhà máy của Intel sẽ được khởi công xây dựng vào đầu năm nay và dự kiến đi vào sản xuất cuối năm 2025. Ngoài ra, Intel cũng sẽ đầu tư thêm 100 triệu USD cho một lộ trình giáo dục, giúp bổ sung việc làm cho cơ sở này. Tổng đầu tư trong thập kỷ có thể lên đến 100 tỷ USD với 6 nhà máy bổ sung.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!