Doanh thu Azure tăng, dù chưa đạt mức kỳ vọng
Trong quý IV của năm tài chính, Microsoft đã công bố mức tăng trưởng 15% về doanh thu, đạt 64,7 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) cũng tăng 10%, lên đến 2,95 USD. Những con số này vượt nhẹ qua dự đoán của giới phân tích, vốn ước tính doanh thu là 64,5 tỷ USD và EPS là 2,94 USD.
Tuy nhiên, một điểm bất ngờ trong quý này là doanh thu từ Microsoft Intelligent Cloud - Azure, khi không đạt được kỳ vọng của các nhà phân tích. Công ty đã ghi nhận doanh thu ở mức 28,52 tỷ USD, thấp hơn một chút so với dự đoán là 28,68 tỷ USD. Mặc dù vậy, Azure vẫn duy trì được mức tăng trưởng khoảng 30%.
Trong quý này, số lượng khách hàng sử dụng AI của Azure đã tăng lên 60%. Đồng thời, tỷ lệ đăng ký và sử dụng các dịch vụ của công ty cũng đã tăng đáng kể. Bên cạnh đó, công ty cũng đã ra mắt các mô hình và hệ thống gia tốc AI mới.
Trong lĩnh vực Năng suất và Quy trình Kinh doanh, bao gồm Office và LinkedIn, doanh thu đã tăng 11%, đạt 20,3 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Dynamics 365 ghi nhận mức tăng trưởng 19%, trong khi Office 365 Commercial tăng 13%. Phân khúc Điện toán Cá nhân Khác, bao gồm Windows và Xbox, cũng chứng kiến mức tăng 14%, đạt 15,9 tỷ US, một phần nhờ vào việc mua lại công ty sản xuất game Activision gần đây.
Nhìn về tương lai, Microsoft dự báo doanh thu và thu nhập hoạt động sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ với hai con số trong năm tài chính 2025. Công ty cũng dự kiến chi tiêu vốn cao hơn so với năm tài chính 2024.
Đối với quý I của năm tài chính hiện tại, Microsoft ước tính doanh thu sẽ dao động từ 63,8 tỷ đến 64,8 tỷ USD. Cụ thể, công ty kỳ vọng mảng Intelligent Cloud sẽ tăng trưởng từ 18% đến 20%, với doanh thu dự kiến từ 28,6 tỷ đến 28,9 tỷ USD, trong khi tăng trưởng của Azure ước tính từ 28% đến 29% trên cơ sở tỷ giá hối đoái cố định. Phân khúc Năng suất và Quy trình Kinh doanh dự kiến sẽ tăng từ 10% đến 11%, và phân khúc Điện toán Cá nhân Khác được dự báo sẽ tăng từ 9% đến 12%.
Tăng trưởng doanh thu của Azure thấp hơn dự kiến phần lớn do tình trạng hạn chế năng lực và một số hoạt động kinh doanh không liên quan đến AI ở châu Âu, chứ không phải do sự sụt giảm nhu cầu về AI. Bất chấp những thách thức này, hoạt động kinh doanh của Azure vẫn rất mạnh mẽ và tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng cho Microsoft. Microsoft cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng để phát triển hoạt động kinh doanh.
Dù việc này có thể khiến các nhà đầu tư cảm thấy lo lắng, nhưng đây là bước đi cần thiết mà bất kỳ công ty nào trong lĩnh vực điện toán đám mây cũng phải thực hiện để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Thực tế, tình trạng sẽ còn tồi tệ hơn nếu các công ty không lên kế hoạch tăng chi phí vốn để khai thác cơ hội từ AI. Azure đã giành được một vị thế vững chắc trong thị trường điện toán đám mây, và do đó, công ty sẽ thu được lợi ích đáng kể từ các khoản đầu tư vốn của mình. Trong khi đó, Microsoft vẫn đang chứng kiến mức tăng trưởng ổn định từ 10-13% trong hai phân khúc kinh doanh khác của mình, nhờ vào Copilot và các tính năng AI mới mà công ty đã triển khai.
Về mặt định giá, cổ phiếu của Microsoft hiện đang được giao dịch với tỷ lệ giá trên thu nhập (P/E) dự phóng dưới 32 lần và tỷ lệ giá trên thu nhập trên tăng trưởng (PEG) dưới 0,9 lần. Mặc dù không phải là một mức giá rẻ, nhưng đây vẫn là một mức định giá hấp dẫn khi xét đến các tiềm năng phát triển AI của công ty.
Tỷ lệ PE (dự phóng) của MSFT. Dữ liệu theo YCharts
Với những cơ hội tăng trưởng phía trước, đặc biệt là trong lĩnh vực Azure, cổ phiếu Microsoft vẫn đang có sức hút để mua vào trong thời điểm này. Nhà đầu tư có thể xem xét việc mở vị thế ban đầu, sau đó áp dụng chiến lược đầu tư quân bình chi phí, mua thêm khi giá cổ phiếu giảm. Đây là một phương pháp đầu tư hợp lý khi đối mặt với một cổ phiếu bị áp lực bán ra ngắn hạn. Tuy nhiên, xét về dài hạn, Microsoft vẫn cho thấy tiềm năng trở thành cái tên dẫn đầu trong ngành công nghệ AI.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!