Mạng xã hội có tác động thế nào tới tâm lý người dùng?

P.V-Thứ tư, ngày 06/09/2017 14:32 GMT+7

Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam chia sẻ kết quả nghiên cứu về tác động tâm lý của mạng xã hội với tâm lý người dùng

VTV.vn - Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận, mạng xã hội còn tồn tại những mặt trái, gây tác động không nhỏ tới tâm lý và hành vi của người dùng.

Mạng xã hội đang ngày càng phát triển và dần trở thành nơi giao lưu, chia sẻ và kết nối của không chỉ giới trẻ. Nghiên cứu của We Are Social Media tháng 1/2017 cho thấy Việt Nam đứng thứ 22 toàn cầu về số lượng người sử dụng mạng xã hội. Cụ thể, với dân số khoảng 93 triệu người, Việt Nam có tới hơn 46 triệu người thường xuyên sử dụng mạng xã hội. Trong đó, mặc dù Facebook mới xuất hiện tại Việt Nam năm 2009 nhưng đã nhanh chóng trở thành mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay. Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội này đã hình thành những hành vi và biểu hiện tâm lý mới ở con người như thay đổi cách thức giao tiếp trong cộng đồng hay cách thức thể hiện cá tính bản thân, trong đó có cả những thay đổi tích cực và những biến thiên tiêu cực dẫn đến nhiều vấn đề xã hội phức tạp.

Nhằm chỉ ra thực trạng sử dụng, các biểu hiện cảm xúc, cảm nhận về giá trị bản thân và mức độ gắn bó của người dùng với Facebook, Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS) đã tổ chức Hội thảo "Tác động của mạng xã hội tới tâm lý người dùng 2017.

Tại hội thảo, TS. Lê Minh Công - Phó trưởng khoa, Khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP. HCM đã đưa ra những tiếp cận khái niệm về nghiện Internet, trong đó có hai tiếp cận được xem xét rộng rãi, tiếp cận dựa trên nền tảng "rối loạn kiểm soát xung lực (Impulse control disorder) và tiếp cận dựa trên rối loạn sử dụng chất. Theo đó, tiếp cận rối loạn kiểm soát xung lực cho rằng nghiện Internet là sự thiếu khả năng kháng cự một hành động có tính bị cưỡng bức hay hành vi mà có thể gây hại cho bản thân hay người khác và là một nhóm các rối loạn về mất kiểm soát hành vi. Nghiên cứu của TS. Lê Minh Công và Nguyễn Văn Thọ năm 2015 còn cho thấy thanh thiếu niên nghiện Internet ở Đồng Nai có các dấu hiệu nổi bật như: mất kiểm soát, sự dung nạp ngày càng gia tăng, nói dối gia đình, thầy cô về hành vi truy cập, có các biểu hiện của hội chứng cai (lo lắng, buồn chán, mất hứng thú) và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả học tập, năng suất công việc, mối quan hệ xã hội.

Chia sẻ kết quả nghiên cứu của VPIS, Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam cho biết: "Báo cáo Tác động tâm lý của mạng xã hội với tâm lý người dùng 2017 là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam sử dụng phương pháp thực nghiệm 72 giờ không Facebook để đo lường sự thay đổi trạng thái tâm lý của người tham gia và mức độ gắn bó với Facebook sau 3 ngày. Kết quả đáng chú ý là gần 43,1% người tham gia thực nghiệm đã vi phạm cam kết ngay sau 6 tiếng đầu tiên tham gia. Những trạng thái cảm xúc thường thấy ở mức cao hơn trung bình quá trình diễn ra thực nghiệm là khách thể tham gia cảm thấy mất kết nối với bạn bè, lạc hậu do không nắm được các thông tin đang diễn ra và luôn bứt rứt, thiếu thốn một thứ gì đó".

Tham gia tham luận tại hội thảo, Phó Giáo sư Bùi Thị Hồng Thái cũng chia sẻ kết quả nghiên cứu "Mạng xã hội với thanh niên Việt Nam - Thực trạng và Giải pháp" cho thấy sinh viên thường sử dụng mạng xã hội với mục đích tương tác và giải trí trên mạng ở mức cao nhất, tiếp đó là mục đích thể hiện bản thân (bày tỏ cảm xúc, ý kiến, chia sẻ khó khăn tâm lý) và ở mức thấp nhất là việc sử dụng mạng xã hội nhằm kinh doanh và thử nghiệm cuộc sống. Theo kết quả nghiên cứu, sinh viên sử dụng mạng xã hội thường chịu áp lực về mặt thời gian (thời gian sử dụng mạng xã hội ngày càng tăng lên) và ảnh hưởng tới các hoạt động sống (học tập, giao tiếp với bạn bè, sức khỏe). Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ảnh hưởng tới khả năng làm chủ bản thân đối với việc sử dụng mạng xã hội của sinh viên là không đáng kể.

Với kinh nghiệm đào tạo, nghiên cứu và điều trị nghiện chất ở Việt Nam, Bs, Ths. Vũ Huy Hoàng đến từ Hiệp hội Y học Nghiện Quốc tế (ISAM) cho rằng các rối loạn do nghiện chất gây nên biểu hiện như buộc phải sử dụng, thèm nhớ, thời gian và tần xuất sử dụng ngày càng tăng, mong muốn nhưng không giảm hoặc ngừng sử dụng được và thậm chí còn sử dụng bất chấp các hậu quả để mà thuyên giảm các triệu chứng của bệnh nghiện. Với các thông tin đã có về nghiện hành vi và nghiện chất, nên hiểu đây là các rối loạn có liên quan đến y sinh-tâm lý-xã hội. Bởi vậy, cần dự phòng và can thiệp sớm nhất nếu có thể kể cả về mặt thực thể và hành vi cũng như giải quyết sớm vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử, một yếu tố luôn là rào cản lớn trong giải quyết vấn đề nghiện.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước