Kỹ thuật Feynman - Học nhanh mọi thứ chỉ với 3 bước

P.L (Dịch)-Thứ hai, ngày 05/12/2016 23:02 GMT+7

VTV.vn - Đây là phương pháp được nhà vật lý Feynman từng đạt giải Nobel năm 1965 chia sẻ nhằm giúp mọi người có thể học mọi thứ nhanh hơn và sâu hơn.

Richard Phillips Feynman là một nhà vật lý người Mỹ gốc Do Thái. Ông đã nhận giải thưởng Nobel về Vật lý trong năm 1965 cho việc tìm ra phương pháp mới rất hiệu quả trong nhận thức cơ học lượng tử. Đây cũng là phương pháp giúp mọi người học tập nhanh hơn và sâu hơn, còn được biết đến với tên gọi "Kỹ thuật Feynman".

Điểm đặc biệt của Kỹ thuật Feynman là cách thực hiện vô cùng đơn giản, chỉ gồm 3 bước chính.

Bước 1: Dạy lại cho một đứa trẻ

Chuẩn bị một tờ giấy trắng và viết chủ đề mà bạn muốn tìm hiểu ở phần trên cùng của tờ giấy. Sau đó, liệt kê những gì bạn biết về chủ đề này như thể bạn đang dạy cho một đứa trẻ hiểu được các khái niệm và những mối liên hệ cơ bản của chủ đề.

Phần lớn mọi người thường có xu hướng sử dụng những thuật ngữ phức tạp để che giấu sự thiếu hiểu biết tường tận về một vấn đề. Khi thể hiện rõ ràng và chi tiết một ý chủ đề với ngôn ngữ đơn giản để một đứa trẻ cũng có thể hiểu được, bạn tự khiến mình phải hiểu được những khái niệm mới ở mức độ sâu hơn và đơn giản hóa những mối liên hệ giữa các ý tưởng.

Nếu gặp khó khăn trong quá trình thể hiện chi tiết chủ đề, điều này đồng nghĩa với việc bạn đã biết chính xác về những gì mình cần tìm hiểu thêm. Đây chính là cơ hội để bạn học hỏi thêm nhiều hơn về những điều mới lạ.

Bước 2: Nhận biết giới hạn của bản thân

Trong khi liệt kê chi tiết các khái niệm và những mối liên hệ của chủ đề muốn tìm hiểu, bạn chắc chắn sẽ gặp phải trở ngại là những lỗ hổng trong kiến thức. Bạn có thể đã quên những chi tiết quan trọng, chưa đủ khả năng để giải thích vấn đề hay không thể kết nối các khái niệm và mối liên hệ.

Đây chính là phản hồi quan trọng cho thấy bạn đã tìm ra giới hạn trong kiến thức của mình. Hãy kiểm tra lại những điểm hạn chế của mình và bắt đầu quá trình học tập mới, tìm hiểu chi tiết vấn đề cho tới khi bạn có đủ khả năng để giải thích vấn đề đó theo ngôn ngữ đơn giản nhất. Nhận biết giới hạn hiểu biết của bản thân cũng giúp bạn hạn chế những sai lầm dễ mắc phải và tăng khả năng thành công khi áp dụng những kiến thức mới.

Bước 3: Tổ chức lại và đơn giản hóa

Khi đã có phần ghi chép về những khái niệm và mối liên hệ liên quan đến chủ đề muốn tìm hiểu, hãy kiểm tra lại và đảm bảo mọi ghi chép đều được thể hiện dưới ngôn ngữ đơn giản nhất. Sau đó, hãy sắp xếp phần ghi chép thành một câu chuyện đơn giản nhưng có logic, đọc thật to nội dung sau khi sắp xếp. Nếu phần giải thích cho các vấn đề vẫn còn phức tạp, điều này đồng nghĩa với việc khả năng hiểu biết của bạn về vấn đề đó cần phải được củng cố lại.

Khi đã chắc chắn về sự hiểu biết đối với chủ đề bạn muốn tìm hiểu, hãy kiểm tra lại điều vừa học bằng cách truyền đạt và trao đổi với một người khác về chủ đề đó. Điều này sẽ giúp bạn kiểm chứng xem mình đã thực sự hiểu rõ về chủ đề đó hay chưa.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước