Buổi giao lưu đã giúp công chúng có cơ hội được gặp gỡ, trò chuyện với những nhà khoa học xuất sắc được vinh danh.
Chia sẻ tại buổi giao lưu, Giáo sư Pamela Christine Ronald - chủ nhân giải thưởng VinFuture 2022 dành cho Nhà khoa học nữ bất ngờ khi giống lúa mang gen chịu ngập Sub1A của bà đã được ứng dụng trên cả nghìn hecta tại Hải Dương, Việt Nam. Điều đó cho thấy kết quả từ thương mại hóa các công trình nghiên cứu trong bối cảnh toàn cầu hóa công nghệ. Giống lúa giúp tăng năng suất hơn 60% so với các giống lúa khác trên các cánh đồng bị ngập lụt.
Giải thưởng VinFuture 2022 dành cho Nhà khoa học nữ đã ghi nhận công trình nghiên cứu đột phá của Giáo sư Pamela Christine Ronald (Ảnh: TTXVN)
"Nhiều người có thể lo lắng khi nghe đến từ biến đổi, chỉnh sửa gen. Đối với tôi, đó chỉ là cách gọi, quan trọng là nghiên cứu này có thể giải quyết những vấn đề liên quan đến an ninh lương thực, mang đến lợi ích bền vững cho người nông dân và con người" - Giáo sư Pamela Christine Ronald - chủ nhân giải thưởng VinFuture 2022 dành cho Nhà khoa học nữ chia sẻ.
Còn với Giáo sư Thalappil Pradeep - chủ nhân giải đặc biệt VinFuture 2022 dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển với hệ thống lọc nước nhiễm Asen có chi phí rất thấp, chỉ 7 đồng cho 1 lít nước sạch, ông nhấn mạnh rằng, sứ mệnh của nghiên cứu khoa học là phải gắn liền với tính ứng dụng cao trong đời sống.
Phát minh của ông đang trong quá trình thử nghiệm tại Kenya, Ugranda và Australia.
Giải đặc biệt VinFuture dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển đã thuộc về Giáo sư Thalappil Pradeep (Ảnh: TTXVN)
"Tại nhiều ngôi làng ở Ấn Độ, nước nhiễm Asen cao gấp 20 - 30 lần tiêu chuẩn. Tôi đã nghĩ tới việc phải dùng những chất hóa học để lọc giúp người dân. Ý tưởng thì đơn giản như vậy nhưng để nghiên cứu và nhân rộng hệ thống lọc nước này mất tới cả chục năm. Yếu tố rút ngắn quá trình thương mại hóa này cần có sự hỗ trợ từ phía chính phủ và doanh nghiệp" - Giáo sư Thalappil Pradeep cho biết.
Và chắc chắn không thể bỏ qua giải thưởng chính VinFuture 2022 dành cho Công trình công nghệ mạng toàn cầu, giúp mạng Internet phổ cập và len lỏi vào cuộc sống của mỗi con người trên thế giới.
Giáo sư Sir Tim Berners-Lee, Tiến sĩ Vinton Gray Cerf, Tiến sĩ Emmanuel Desurvire, Tiến sĩ Robert Elliot Kahn và Giáo sư Sir David Neil Payne đã nhận bằng khen và cúp giải thưởng cho phát minh về Internet và trình duyệt web đầu tiên World Wide Web (Ảnh: TTXVN)
Giáo sư Sir David Neil Payne - chủ nhân giải thưởng - cho rằng: "Internet chính là nền tảng giúp nhiều công nghệ mới có thể phát triển. Internet đã giúp chúng tôi có thể kết nối và có mặt tại đây. Internet sẽ giúp cho mọi sự tò mò có thể tìm được câu trả lời dễ dàng nhất".
Các chủ nhân giải thưởng năm nay đều nhấn mạnh, yếu tố con người đã tạo nên sự khác biệt của giải thưởng VinFuture. Đây là cơ hội rất tốt để cộng đồng khoa học Việt Nam có thể tiếp cận với giới khoa học toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!