Đại diện Ban Tổ chức cho biết, Triển lãm được thiết kế theo chuyên đề, nội dung thể hiện xu hướng phát triển các lĩnh vực: Dịch vụ cung cấp và khai thác trên Di động và Internet; Thiết bị Internet và Di động; Công nghệ không dây; Các dịch vụ Internet; Dịch vụ quản lý, Phát thanh - Truyền hình; Mạng - hạ tầng cơ sở và các dịch vụ điện tử như Chính phủ điện tử, Y tế điện tử, Ngân hàng - Tài chính điện tử, Thư viện điện tử…
Triển lãm thu hút gần 150 doanh nghiệp đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Hồng Kông, Đức, Úc, Thụy Sỹ, Mỹ, và Việt Nam trưng bày trên quy mô gần 300 gian hàng.
“Ericsson nhận thấy các nhà khai thác viễn thông di động Việt Nam đang chuyển mình rất nhanh chóng để đạt được những mục tiêu số hóa.
Quá trình chuyển đổi ảnh hưởng tới mọi ngành công nghiệp. Trong đó khai thác lợi ích CNTT một cách đúng đắn được coi là ưu thế. 3 khía cạnh trong ngành CNTT là băng rộng, di động và đám mây sẽ định hình lại những thay đổi về giá trị, số hóa các mô hình kinh doanh và mang đến những cơ hội ngòai sức tưởng tượng của chúng ta. Giờ đây mối quan hệ giữa những các nhà cung cấp dịch vụ như Ericsson và nhà khai thác viễn thông di động như VNPT đặt trọng tâm vào việc hợp tác để chuyển đối thành công trước những thay đổi mang tính số hóa” - ông Jan Wassenius, Tổng Giám đốc Ericsson Vietnam và Myanmar, phát biểu.
Một hoạt động quan trọng trong Triển lãm, Hội thảo chuyên ngành là Diễn đàn cao cấp trao đổi về các xu hướng công nghệ tiên tiến nhất, cập nhật thông tin thị trường, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh và tạo cơ hội gặp gỡ trao đổi giữa các chuyên gia hàng đầu.
Không chỉ đề cập các vấn đề vĩ mô như xu hướng phát triến viễn thông, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng Khoa học công nghệ hay vai trò của luật Thương mại điện tử, Hội thảo còn là cơ hội để bàn luận các vấn đề cụ thể, liên quan đến cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp trong quá trình sáng tạo cũng như ứng dụng sản phẩm – dịch vụ VT-CNTT-TT cùng các kinh nghiệm thực tế sống động như: Xã hội thông minh và - Xu hướng của Kỷ nguyên Công nghệ Thông tin và Truyền thông, giới thiệu về các ứng dụng dịch vụ viễn thông, CNTT vào xây dựng Chính phủ Điện tử, Y tế, Giáo dục và các tiện ích phục vụ cộng đồng; Chuyển đổi IT nhằm đáp ứng nhu cầu linh hoạt trong hoạt động kinh doanh, chia sẻ số liệu thống kê mới nhất về sự thay đổi vai trò của CIO trong tổ chức của các nhà khai thác CNTT, tương lai của IT từ góc độ khách hàng, dịch vụ, hệ thống mạng; SMAC, Internet of Things (Internet cho vạn vật), Digital Transformation (chuyển đổi số) mang đến cơ hội và thách thức đối với các nhà cung cấp dịch vụ trong việc trở thành Next Generation Service Provider (các nhà cung cấp dịch vụ thế hệ mới); Mobility, ứng dụng OTT, Bảo mật cho Thành phố thông minh.
“Theo nghiên cứu của Opera Mediaworks, Việt Nam cùng với Ấn Độ, Indonesia, và Philipines được xếp là những quốc gia thuộc nhóm “Bộ tứ quyền lực”, gọi tắt là P4, có sự gia tăng đáng kinh ngạc trong việc sử dụng điện thoại thông minh, tăng tới 545%, kể từ năm 2013. Có thể nói, những thành tựu công nghệ của thế giới, bằng nhiều con đường, luôn sớm có mặt tại Việt Nam. Ban tổ chức Triển lãm Quốc tế Vietnam ICT comm mong muốn bằng việc tổ chức Triển lãm và Hội thảo cấp cao này sẽ góp phần vào việc đưa những thành tựu công nghệ trên thế giới sớm có mặt tại Việt Nam và kết nối các doanh nghiệp Việt Nam sớm hội nhập với nền công nghệ thế giới” - bà Hà Thị Phương Lâm, đại diện Ban Tổ chức, chia sẻ.