FPT Automotive: Ngành công nghiệp ô tô đang rất cần các kỹ sư phần mềm

Phi Long-Thứ ba, ngày 23/07/2024 18:52 GMT+7

VTV.vn - Giám đốc FPT Automotive khẳng định, các kỹ sư Việt Nam rất tài năng. Trong khi đó, ngành công nghiệp ô tô đang rất cần các kỹ sư phần mềm.

Ngày 23/7, trong chương trình Cafe sáng với FPT, ông Nguyễn Đức Kính - Giám đốc FPT Automotive đã có những chia sẻ về chủ đề "Định hình ngành công nghiệp ô tô trong kỷ nguyên số".

Theo ông Nguyễn Đức Kính, để tăng cường vị thế của FPT trên bản đồ công nghệ thế giới, Công ty FPT Automotive đã được thành lập tháng 12/2023 tại Texas (Mỹ), với mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ và sản phẩm phần mềm cho ngành công nghiệp ô tô có đẳng cấp thế giới trị giá 1 tỷ USD vào năm 2030.

FPT Automotive: Ngành công nghiệp ô tô đang rất cần các kỹ sư phần mềm - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Kính - Giám đốc FPT Automotive - chia sẻ về chủ đề "Định hình ngành công nghiệp ô tô trong kỷ nguyên số"

Thay vì lựa chọn các thị trường lớn khác như châu Âu hay Trung Quốc, ông Nguyễn Đức Kính cho biết, công ty chọn đặt trụ sở tại Mỹ để có thể nắm bắt những công nghệ mới nhất trên toàn thế giới, từ đó đưa vào các sản phẩm.

Hiện nay, một chiếc ô tô có khoảng 100 hệ thống điều khiển mọi hoạt động, từ cửa xe, túi khí, phanh ABS, đèn sau cho tới hệ thống thông tin giải trí, chỉ đường... Công việc của FPT Automotive là tạo nên các hệ thống phần mềm đó. Công ty không làm dịch vụ công nghệ thông tin thông thường mà dùng các kiến thức về toán học, vật lý, hóa học, cơ điện tử, chip vi mạch... để viết ra các hệ thống phần mềm cho ô tô.

Là một trong những ngành công nghiệp đi đầu, theo ông Nguyễn Đức Kính, ngành công nghiệp ô tô được chia thành nhiều tầng với cấu trúc theo hình kinh tự tháp.

FPT Automotive: Ngành công nghiệp ô tô đang rất cần các kỹ sư phần mềm - Ảnh 2.

Ngành công nghiệp ô tô được chia thành nhiều tầng với cấu trúc theo hình kinh tự tháp

Trong đó, tầng cao nhất là các OEM (Original Equipment Manufacturer) - các hãng sản xuất ô tô. Ví dụ, ở Việt Nam có VinFast; ở Nhật Bản có Toyota, Honda; ở Đức có BMW…

Tầng giữa là Tier-1 Supplier - các nhà cung cấp linh kiện bán trực tiếp cho các OEM. Với hàng chục nghìn linh kiện lớn nhỏ trong mỗi chiếc ô tô, các hãng sản xuất cần nhiều nhà cung cấp, tạo nên chuỗi cung ứng. Ví dụ điển hình về các nhà cung cấp linh kiện lớn như Bosch (Đức), Magna (Canada), Denso (Nhật Bản)...

Tầng cuối cùng là Chipmaker - những nhà sản xuất tạo nên "bộ não" cho những chiếc ô tô hiện đại. Bên trong mỗi ô tô được trang bị không ít những con chip, được lập trình để bảo vệ an toàn cho con người và xe trong nhiều trường hợp cũng như nâng cao trải nghiệm khi sử dụng xe. Ví dụ về các hãng sản xuất chip lớn cho ô tô hiện nay như NVIDIA, Qualcomm, NXP…

Không sản xuất ô tô, FPT Automotive lựa chọn con đường cung cấp dịch vụ, giải pháp công nghệ phần mềm và một chút phần cứng cho các công ty của cả 3 tầng trên.

FPT Automotive: Ngành công nghiệp ô tô đang rất cần các kỹ sư phần mềm - Ảnh 3.

Các dịch vụ và giải pháp công nghệ dành cho ô tô mà FPT Automotive tập trung phát triển

Mặc dù cùng là sản xuất phần mềm, tuy nhiên, quy trình sản xuất phần mềm cho ô tô đòi hỏi sự khắt khe cao hơn về độ an toàn và tính bảo mật. Không chỉ vậy, ngành này còn cần sự tương thích rất cao, do đó, cần phải tuân theo các chuẩn mang tính toàn cầu.

Hiện nay, 70% doanh số của FPT Automotive đến từ hai lĩnh vực là hệ thống giải trí trên ô tô và nền tảng AUTOSAR (Automotive Open System Architecture) - chuẩn kiến trúc về phần mềm trong ô tô, được đặt ra bởi những gã khổng lồ trong ngành nhằm cho phép độc lập với phát triển phần cứng.

Từ năm 2018, FPT Automotive đã đầu tư mạnh vào chuẩn kiến trúc này để làm chủ công nghệ, từ đó sở hữu các công nghệ lõi trong ngành. Hiện tại, hơn 4.000 nhân sự của công ty đều là các chuyên gia trong các mảng công nghệ quan trong như AUTOSAR, xe tự lái…, sở hữu nhiều năm kinh nghiệm.

Theo ông Nguyễn Đức Kính, với sự phát triển của công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) dần có thể thay thế con người trong mọi công việc. Chính vì vậy, FPT Automotive cũng đã đầu tư nghiên cứu để biến Ai thành công cụ, tìm mọi cách để ứng dụng AI trong công việc, giúp tăng trưởng doanh số cao hơn tăng trưởng về nhân sự.

Hiện tại, FPT Automotive có khoảng 4.500 nhân sự, trong đó có khoảng 500 người làm dịch vụ thiết kế và mô phỏng cơ khí trong xe, toàn bộ công việc này từ thiết kế đến kiểm thử được thực hiện trên hệ thống máy tính. Số nhân sự còn lại, chiếm khoảng 90% tổng nhân sự của FPT Automotive, làm về phát triển giải pháp và dịch vụ phần mềm cho ô tô. Nhu cầu trong lĩnh vực này rất lớn. Từ nay đến năm 2025, FPT Automotive dự kiến cần tuyển khoảng 1.000 nhân sự.

"Chúng tôi tìm kiếm nguồn nhân lực ở khắp nơi trên thế giới. Cuối cùng, nhân lực tại Việt Nam vẫn là cốt lõi vì các yếu tố về văn hóa, ngôn ngữ..." - ông Nguyễn Đức Kính chia sẻ.

Giám đốc FPT Automotive khẳng định, Việt Nam có rất nhiều nhân tài trong khi ngành công nghiệp ô tô đang rất cần các kỹ sư phần mềm. Riêng tại thị trường Mỹ, theo các con số thống kê, cần khoảng 27.000 kỹ sư phần mềm cho ngành công nghiệp ô tô.

Với khát vọng mang tới cơ hội cho các tài năng trẻ Việt Nam được làm việc tại môi trường quốc tế, từ năm nay, FPT Automotive đã kết hợp với Đại học FPT mở chuyên ngành đào tạo về Công nghệ ô tô số.

"Ngành ô tô toàn cầu được dự đoán sẽ chi hơn 238 tỷ USD/năm vào năm 2030 khi chuyển sang xe điện từ hệ truyền động đốt trong. Tốc độ phát triển nhanh chóng đòi hỏi lực lượng lớn các chuyên gia có chuyên môn sâu về cả kỹ thuật ô tô và công nghệ số. Ở họ cần có kỹ năng, kinh nghiệm và sự linh hoạt - những phẩm chất mà AI không thể thay thế" - ông Nguyễn Đức Kính nhấn mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước