Các vòi bơm xăng được bọc nilông tại trạm xăng Race Trac ở St. Petersburg, bang Florida, Mỹ ngày 12/5 sau vụ tấn công mạng làm tê liệt hệ thống đường ống nhiên liệu lớn nhất của Mỹ do Công ty Colonial Pipeline vận hành - Ảnh: Reuters
Vừa qua, nhóm tin tặc Darkside đã tiến hành vụ tấn công mạng vào hệ thống đường ống dẫn dầu quan trọng nhất nước Mỹ của hãng Colonial Pipeline. Nhóm này đã đòi khoản tiền chuộc khổng lồ lên tới 5 triệu USD để đổi lại gần 100 Gb dữ liệu quan trọng bị đánh cắp. Câu chuyện nên hay không nên trả tiền chuộc cho tin tặc đang là chủ nóng được bàn thảo tại Mỹ.
Theo báo chí Mỹ, số tiền 5 triệu USD đã được công ty Colonial Pipeline trả cho nhóm tin tặc. Đến nay đường ống dẫn dầu quan trọng nhất nước Mỹ đã hoạt động trở lại.
Theo Bloomberg, sau vài giờ bị kẻ tấn công đòi tiền chuộc, công ty Colonial Pipeline đã đồng ý trả cho bọn tin tặc 5 triệu USD bằng tiền kỹ thuật số. Điều này trái ngược với tuyên bố của công ty này trước đó là sẽ không trả bất kỳ đồng phí tống tiền nào để khôi phục lại đường ống dẫn dầu.
Tờ báo này cho biết, thường các nạn nhân bị tấn công mạng sẽ phải cân nhắc kỹ thiệt hơn giữa việc không trả tiền chuộc so với phí tổn nếu hồ sơ, tài liệu bị mất. Nhiều người chọn trả tiền cho những kẻ tấn công. Chuyên gia mạng ví von các vụ tấn công mạng giống như căn bênh ung thư, nạn nhân có rất ít thời gian để lựa chọn giữa sự sống và cái chết.
Công ty Colonial Pipeline được cho là đã trả gần 5 triệu USD cho nhóm tin tặc DarkSide để khôi phục hệ thống đường ống cấp nhiên liệu đã bị "đánh sập" trong vụ tấn công mạng của nhóm này - Ảnh: Shutterstock
Báo chí Mỹ cho biết, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) không khuyến khích các tổ chức trả tiền chuộc cho tin tặc vì cho rằng không có gì đảm bảo sẽ không có các vụ tấn công tiếp theo.
CNBC cho biết, nhóm tin tặc DarkSide, kẻ tấn công Colonial Pipeline vừa mới đưa thêm tên 3 công ty mới vào danh sách tấn công tiếp theo. Tuyên bố đưa ra bất chấp việc FBI đang mở cuộc điều tra đối với nhóm này.
USA-today trích ý kiến chuyên gia an ninh mạng hàng đầu ở Mỹ rằng đã đến lúc chính phủ nên xem xét việc cấm thanh toán tiền chuộc. Lý giải rằng nếu các khoản thanh toán không còn thì các cuộc tấn công sẽ dừng lại. Lý do khiến các phần mềm mã độc hoành hành hiện nay cũng bởi mọi người đang trả tiền cho nó.
Theo CNN, để hạn chế các vụ tấn công mạng tương tự, chính quyền Biden vừa ban hành sắc lệnh nhằm tăng cường khả năng phòng thủ an ninh mạng của Mỹ.
Theo sắc lệnh mới, Mỹ sẽ thành lập một cơ quan có trách nhiệm điều tra các vụ tấn công mạng và đưa ra các tiêu chuẩn bảo mật mới đối với các phần mềm mà các cơ quan chính phủ mua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!