George Hayward là một cựu nhân viên của Facebook. Tuy nhiên, vào tháng 11, anh đã bị công ty sa thải do không đồng ý thực hiện thử nghiệm trên thiết bị của người dùng.
Theo George Hayward, phương pháp mà Facebook sử dụng được gọi là "thử nghiệm tiêu cực". Phương pháp này cho phép các công ty công nghệ âm thầm làm cạn kiệt pin trên thiết bị di động của người dùng dưới danh nghĩa thử nghiệm tính năng hoặc phản hồi về sự cố ứng dụng.
"Tôi đã nói với người quản lý điều này có thể gây hại đến ai đó và nhận được phản hồi rằng cách làm hại một số ít người dùng sẽ khiến họ giúp đỡ được số đông" - Hayward chia sẻ trong một vụ kiện tại Tòa án Liên bang Manhattan.
Hayward cho biết, bản thân từng làm việc trên phần mềm Messenger của Facebook, ứng dụng hỗ trợ người dùng gửi tin nhắn bằng văn bản hoặc gọi điện thoại và video. Theo báo cáo tổng quan toàn cầu về kỹ thuật số năm 2021, Messenger có 1,3 tỷ người dùng trên toàn thế giới, xếp thứ 4 trong số các nền tảng truyền thông xã hội được sử dụng nhiều nhất.
"Nguyên tắc của bất cứ nhà khoa học dữ liệu nào là không làm tổn thương người dùng. Việc cố ý làm cạn kiệt pin của smartphone có thể khiến người dùng gặp rủi ro, đặc biệt là trong một số trường hợp khẩn cấp" - Hayward nhấn mạnh.
Hiện tại, chưa rõ có bao nhiêu người dùng đã bị ảnh hưởng bởi những "thử nghiệm tiêu cực" từ Facebook.
Dan Kaiser, luật sư của Hayward, cho biết hầu hết người dùng không hề biết việc Facebook và các công ty truyền thông xã hội có thể làm cạn kiệt pin trên smartphone một cách có chủ ý.
Hiện tại, vụ kiện đang bị rút lại bởi hợp đồng lao động của Hayward có một số điều khoản về trường hợp bất đồng. Meta vẫn chưa đưa ra bình luận gì về sự việc này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!