Dùng máy tính thường xuyên, học sinh sẽ xao nhãng học tập

TTXVN-Thứ ba, ngày 22/09/2015 15:36 GMT+7

Hình minh họa. (Ảnh: laptopjoy.com)

VTV.vn - Ở những nước thường xuyên sử dụng máy tính trong lớp học, học sinh dễ bị xao nhãng, dẫn đến kết quả học tập không thực sự tốt.

Trang bị máy tính và lắp đặt mạng không dây (Wi-Fi) trong các lớp học đang có xu hướng nổi lên, đặc biệt ở các nước phát triển, nhằm khuyến khích học sinh tích cực tham gia học tập nhiều hơn cũng như cho kết quả tốt hơn. Tuy nhiên, nếu không được thực hiện đúng cách, công nghệ này sẽ có tác dụng ngược lại.

Báo cáo của Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) về tác động của công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) đối với học sinh (từ tiểu học đến trung học) thông qua nghiên cứu ở 31 quốc gia, cho biết, ngay tại các nước đầu tư mạnh ICT cho giáo dục, học sinh không có tiến bộ đáng kể trong các kỹ năng đọc, làm toán và tìm hiểu khoa học. Ở những nước thường xuyên sử dụng máy tính trong lớp học, học sinh dễ bị xao nhãng, dẫn đến kết quả học tập yếu hơn so với các bạn đồng cấp ở những quốc gia khác sử dụng vừa phải ICT trong giáo dục, chỉ dùng máy tính từ 1-2 lần/tuần hoặc theo các dự án học tập đặc biệt.

Theo ông Francesco Avvisati, một nhà phân tích của OECD, ICT giúp nâng cao hiệu quả giáo dục khi học sinh sử dụng Internet trong lớp học để thực hiện các nghiên cứu theo hướng dẫn và các công việc theo dự án (của giáo viên). Internet sẽ khiến học sinh xao nhãng việc học khi dùng thiết bị sẵn có để trò chuyện trực tuyến, chưa kể ngay cả phần mềm trực tuyến giúp rèn luyện kỹ năng toán cũng không củng cố việc học hay đem lại kết quả tốt hơn cho các học sinh.

Ông khẳng định điều quan trọng là các nhà giáo dục phải ở vị trí “cầm lái” khi đưa ICT vào lớp học, không để chúng trở nên quá nổi bật khiến học sinh phân tâm. Trên thực tế, các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đức đều chứng kiến bước tiến đáng kể trong kết quả giáo dục mà không đầu tư lớn cho ICT trong lớp học, điều mà những nước này đủ khả năng để làm. Tại một số nước thiếu đầu tư cho ICT và tiếp tục tập trung vào môi trường học tập cũng như mối quan hệ thầy trò, học sinh vẫn không bị ảnh hưởng tới kỹ năng đọc kỹ thuật số - định vị những cuộc tìm kiếm trực tuyến phức tạp.

Cũng theo ông Avvitsati, chìa khóa để triển khai bất kỳ công nghệ nào trong lớp học là phải có mục tiêu rõ ràng và sự đào tạo đối với giáo viên, mấu chốt là đào tạo những giáo viên giỏi. Thực tế cho thấy những giáo viên giỏi nhất có xu hướng sử dụng ICT một cách vừa phải.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước