Việc một mạng xã hội có hàng trăm triệu người dùng như Twitter nằm dưới sự kiểm soát của cá nhân đang gây ra những lo ngại về việc kiểm soát trang mạng xã hội này.
Tỷ phú Elon Musk khẳng định, việc mua Twitter không nhằm vào khía cạnh kinh doanh. Elon Musk muốn nắm quyền kiểm soát để có thể biến thuật toán Twitter thành mã nguồn mở và tăng tính minh bạch với người dùng. Ông cũng muốn chính sách quản lý nội dung mềm mỏng hơn, hạn chế những lệnh cấm sử dụng vô thời hạn và chuyển sang có thời hạn ngắn.
Tất nhiên, sự tự do này cũng còn nhiều tranh cãi. Chính phủ Mỹ đã đánh tiếng sẽ không để vụ thâu tóm này làm ảnh hưởng tới các quy định kiểm soát mạng xã hội.
Bà Jen Psaki - Thư ký báo chí Nhà Trắng - cho rằng: "Không quan trọng là ai sở hữu hay điều hành Twitter. Tổng thống Biden từ lâu đã chú ý đến sức mạnh của các nền tảng truyền thông xã hội lớn và cho rằng các nền tảng công nghệ phải chịu trách nhiệm về những tác hại mà họ gây ra".
Ngay cả những người dùng của Twitter cũng chia rẽ với câu hỏi liệu việc Elon Musk mua lại Twitter có là một điều tốt hay không.
Anh Jochen Ahlswede, một người dân Đức, cho biết: "Tôi nghĩ sự tự do phải có ranh giới và tôi không chắc liệu Elon Musk có phải là người nên xác định những ranh giới này cho một nền tảng khổng lồ như Twitter hay không".
Sau thương vụ này, Twitter sẽ trở thành một công ty tư nhân và sẽ không còn giao dịch cổ phiếu của mình trên bất kỳ sàn giao dịch chứng khoán nào.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!