Đi tìm lời giải cho vấn đề "cung không đủ cầu" về nhân lực của ngành IT

P.V-Thứ hai, ngày 25/10/2021 16:53 GMT+7

VTV.vn - Ngày 22/10, Appota Group tổ chức hội thảo trực tuyến: “Giải mã nhân lực ngành IT” với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu trong ngành.

Song hành với sự phát triển của công nghệ thì lĩnh vực IT cũng đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ thị trường tuyển dụng do nhu cầu về nhân lực ngày một tăng cao. Đây chính là cơ hội lớn cho các bạn đang theo đuổi ngành công nghệ thông tin khi ngày càng nhiều dự án, công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ lên ngôi. Tuy nhiên, sự phát triển nóng đó cũng đặt ra nhiều câu hỏi, nhiều thắc mắc cho các bạn trẻ khi đưa ra quyết định, chọn hướng đi phù hợp.

Trong vai trò đơn vị tổ chức, Appota đã mang đến sự kiện “Giải mã nhân lực ngành IT” với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong ngành như: ông Nguyễn Văn Vũ - CTO Appota, ông Đặng Minh Tuấn - Head of PTIT Blockchain Lab, tác giả phần mềm Vietkey, ông Lê Ngọc Tuấn - Founder Maker HaNoi, ông Đặng Thái Sơn - CMO Appota. Sự kiện đã thu hút đông đảo hàng trăm sinh viên các trường công nghệ thông tin trên khắp Việt Nam và các bạn trẻ yêu thích ngành IT tham dự, qua đó mở ra nhiều góc nhìn mới về lĩnh vực này.

Đi tìm lời giải cho vấn đề cung không đủ cầu về nhân lực của ngành IT - Ảnh 1.

Cơ hội "màu mỡ" về thị trường IT tại Việt Nam

Không thể phủ nhận rằng, ngành CNTT là một ngành rất đặc biệt và có tốc độ phát triển nhanh, đi sâu vào mọi mặt đời sống xã hội, là nền tảng cho nhiều ngành kinh tế và đem đến rất nhiều cơ hội việc làm. Theo một khảo sát về các ngành nghề công nghệ thông tin được mong đợi nhất trong tương lai, phản hồi của các Lập trình viên tham gia cuộc khảo sát cho thấy, ngành kỹ thuật AI & Cloud sẽ dẫn đầu.

Chia sẻ về cơ hội ngành AI, ông Lê Ngọc Tuấn cho rằng: "Câu chuyện của AI không chỉ ở phần mềm mà còn ở phần cứng, thế giới AI ngày càng đơn giản và trở thành xu hướng khi mà ngày càng nhiều các công ty lớn trên thế giới đều đầu tư vào AI, tương lai sẽ đổi từ thời thời kỳ mobile sang AI".

Đi tìm lời giải cho vấn đề cung không đủ cầu về nhân lực của ngành IT - Ảnh 2.

Tiếp theo là Fintech/Payment và xếp thứ 3 là Thương mại điện tử/Bán lẻ. Không có gì ngạc nhiên khi Cloud Engineering, Fintech, e-Commerce, Cybersecurity và Business Service đều đi đầu. Theo sau danh sách là những cái tên luôn nổi trong cuộc đua công nghệ, bao gồm Big Data/ Data Science, Machine Learning/ Artificial Intelligence. Công nghệ không thể thiếu tiếp theo là An ninh mạng, đại dịch đã hình thành rất nhiều hành vi, nhu cầu và sự thay đổi mới, từ offline sang online, từ onsite đến remote, đã đặt ra nhiều vấn đề về quản lý, bảo mật, ổn định và mức độ riêng tư của dữ liệu/ hệ thống. Danh sách còn lại như Mobile Development, Thiết kế UX/UI, Business Intelligence, IoT/Robotics và Game Development vẫn là những chủ đề hấp dẫn mà các lập trình viên muốn thử sức trong năm 2021.

Đặc biệt, Crypto/Blockchain đang là xu thế mới nổi trong thời gian gần đây. Chia sẻ về cơ hội trong lĩnh vực này, ông Đặng Minh Tuấn cho rằng: "Blockchain mang lại sự đột biến về tăng trưởng hàng đầu trong lĩnh vực CNTT hiện nay. Điểm nổi bật ở ngành này là có độ tin cậy bằng dữ liệu, là ngành mới và chưa hoàn toản trưởng thành nên có nhiều mảnh đất để tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ mới, lương cao và thiếu hụt nhân sự rất nhiều. Các bạn không chỉ ứng tuyển vào các công ty lớn mà có thể startup với những ý tưởng của mình. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng sẽ có nhiều khó khăn để đảm bảo độ an toàn, để hiểu và sử dụng cần tập hợp rất nhiều thứ do đó cũng đòi hỏi nhân sự thật sự chất lượng, có đam mê và nền tảng tốt".

Nhân lực ngành IT đang gặp thực trạng "cung không đủ cầu"?

Trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu nhân lực IT tại Việt Nam không ngừng tăng cao. Dựa trên báo cáo thị trường IT năm 2020 của TopDev và tốc độ tăng trưởng số lượng lập trình viên tại Việt Nam, năm 2021 Việt Nam cần 450.000 nhân lực CNTT. Tuy nhiên, tổng số lập trình viên hiện tại ở Việt Nam (tính đến Q1/2021) là 430.000, có nghĩa là 20.000 vị trí lập trình viên sẽ không được lấp đầy trong tương lai gần. Sự thiếu hụt này xuất phát từ sự chênh lệch giữa trình độ của lập trình viên và các yêu cầu kinh doanh. Đáng chú ý là hiện nay chỉ có khoảng 16.500 sinh viên (chiếm gần 30%) trong tổng số 55.000 sinh viên chuyên ngành Công nghệ thông tin đáp ứng được những kỹ năng và yêu cầu của doanh nghiệp cần.

Đi tìm lời giải cho vấn đề cung không đủ cầu về nhân lực của ngành IT - Ảnh 3.

Tại sự kiện Giải mã nhân lực ngành IT, chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Vũ - CTO Appota cho rằng: "Thị trường hiện nay không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia, và may mắn các nhân sự trong ngành này cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch COVID-19. Với xu thể chuyển đổi số ở các công ty dẫn đến nguồn nhân lực để làm các công việc chuyển đổi số diễn ra nhiều và nhanh, sự thiếu hụt cơ bản là do nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó chúng ta cũng nên làm rõ vấn đề thiếu hụt giữa nhân sự chất lượng cao và nhân sự làm được việc".

Ông Lê Ngọc Tuấn lại cho rằng, độ vênh này đến từ nhiều yếu tố, đặc biệt là nguồn lực chất lượng cao đang rất thiếu. Một trong các nguyên nhân đó là các bạn đa phần thiếu sự tư duy sản phẩm, các bạn cũng không dành thời gian nhiều để nâng cao kỹ năng dẫn đến chất lượng sản phẩm kỹ thuật chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.

Bằng cấp có phải yếu tố quan trọng nhất đối với sinh viên IT?

Câu chuyện bằng cấp là một trong những vấn đề được rất nhiều bạn trẻ quan tâm tại sự kiện. Liệu doanh nghiệp và nhà tuyển dụng có đặt đây là yếu tố quan trọng để xét tuyển đối với ứng viên?

Trên thực tế, bằng cấp không phải là yếu tố quan trọng nhất, không ảnh hưởng nhiều đến quyết định nhận một nhân viên IT của nhà tuyển dụng. Đối với ngành IT bằng cấp sẽ xếp sau kinh nghiệm vì quan trọng nhất đối với một nhân viên IT đó là bạn làm được gì, bạn có kinh nghiệm ra sao. Ông Vũ chia sẻ tại chương trình: "Appota cũng chủ động tìm đến các trường đại học để xây dựng các chương trình thực tập. Các bạn ra trường bị thiếu nhất đó là thiếu kinh nghiệm, thiếu tính chủ động".

Về vấn đề này, ông Lê Ngọc Tuấn - Founder Maker HaNoi cũng chia sẻ thêm bí quyết cho các bạn trẻ: "Học cần đi đôi với hành, nên làm các dự án thật thay vì chỉ làm những bài tập lớn, hiện nay các công ty cũng rất chào đón các bạn sinh viên từ năm nhất, năm hai...".

Ông Vũ cũng bổ sung thêm ý kiến: "Chắc chắn các bạn phải học và update liên tục nhưng các bạn cũng có thể quyết định mình ra trường lúc nào và cần bắt tay vào thực hành luôn để có cơ hội được các doanh nghiệp để ý và nếu không có kinh nghiệm thì cần bù sót bằng thái độ".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước