Các hộ nuôi tôm từ Cần Giờ đến Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau... đang vật lộn để cứu ao tôm. Nhiều hộ đã bị phá sản, hàng chục ha ao thả tôm giờ chết trắng. Số ao tôm bị nhiễm dịch tại các tỉnh này đang tăng lên mỗi ngày mà chưa có giải pháp khắc phục.
Trước tình trạng này, các nhà khoa học đã phải đau đầu tìm ra giải pháp để cứu đàn tôm. Theo các chuyên gia, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tôm chết hàng loạt là con giống và môi trường nước. Trong đó, môi trường ô nhiễm vì dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, nước thải chứa mầm bệnh chưa được xử lý và các độc tố khác như tảo là đáng quan tâm nhất.
Theo nhóm nghiên cứu, bạc được biết đến như vật liệu “siêu” diệt khuẩn, được ứng dụng lâu đời trên các vật dụng điện tử, gia đình. Trong lĩnh vực nông nghiệp,dung dịch nano bạc dùng để diệt vi khuẩn, nấm, sâu bệnh chỉ mới phổ biến trong vài năm trở lại đây giúp phòng ngừa bệnh tôm.
GS.TS Đặng Mậu Chiến, Giám đốc Phòng thí nghiệm Công nghệ Nano, Đại học quốc gia TP.HCM chia sẻ: “Công nghệ này được xử lý 2 lần/ao tôm, đầu tư khoảng 20-30 triệu đồng. Nếu sử dụng công nghệ này đến hết một vụ tôm thì lợi nhuận thu được khoảng 500-700 triệu đồng”.
Lợi ích kinh tế đã rõ ràng, tuy nhiên, hiện giờ quy mô ứng dụng công nghệ này vẫn còn hạn chế bởi nhiều hộ nông dân còn dè dặt. Nếu không có sự hỗ trợ từ chương trình đổi mới sáng tạo IPP, miễn phí cung cấp vật liệu này ứng dụng cho hộ nông dân nuôi tôm thì không thể nhân rộng sản phẩm ra thị trường. Và nếu không có giải pháp, sẽ còn rất lâu nhà khoa học và người nông dân mới gặp được nhau và những đìa tôm chết trắng vẫn có nguy cơ tái diễn.