Công nghệ mở - Chìa khóa giúp làm chủ công nghệ và khai phóng năng lực sáng tạo

P.L-Thứ tư, ngày 18/11/2020 18:04 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Diễn đàn Công nghệ mở Việt Nam 2020

VTV.vn - Chiều 18/11, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội nghị trực tuyến Diễn đàn Công nghệ mở Việt Nam 2020.

Diễn đàn Công nghệ mở Việt Nam năm 2020 (Vietnam Open Summit 2020) có chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia", hướng tới mục tiêu phát triển và làm chủ công nghệ số.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, công nghệ thông tin, công nghệ số đã, đang và sẽ thâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, công nghệ số đã trở thành không khí thở, vì vậy, nó phải rẻ như không khí và cách để đạt được điều đó chính là công nghệ mở.

Công nghệ mở - Chìa khóa giúp làm chủ công nghệ và khai phóng năng lực sáng tạo - Ảnh 1.

Diễn đàn cho thấy tầm quan trọng của công nghệ mở trong việc phát triển và làm chủ công nghệ số

"Công nghệ mở ngày nay không chỉ là mã nguồn mở, mà còn là kiến trúc mở và chuẩn mở. Và đi cùng công nghệ mở sẽ là văn hóa mở. Tất cả chúng ta cùng đóng góp phát triển công nghệ, cùng chia sẻ sử dụng công nghệ. Từ đó, giá công nghệ sẽ rất rẻ" - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.

Theo đó, công nghệ mở được hiểu là công nghệ mà mọi người được tự do truy cập, sử dụng, phân phối, chia sẻ nhằm làm chủ trong việc phát triển sản phẩm, giúp giảm chi phí, huy động cộng đồng...

"Các quốc gia chỉ có thể có niềm tin khi công nghệ họ sử dụng là công nghệ mở. Công nghệ mở là để các quốc gia có thể làm chủ công nghệ mà mình sử dụng" - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay, nhiều quốc gia đã tuyên bố chỉ mua công nghệ mở, đặc biệt là khi các công nghệ đó dùng để xây dựng các hạ tầng nền tảng quốc gia.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, công nghệ mở sẽ khai phóng năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân. Không một công ty nào, một tập đoàn đa quốc gia nào, dù quy mô to đến đâu, có thể giải quyết mọi bài toán, đáp ứng mọi nhu cầu thay đổi. Sự sáng tạo toàn dân chỉ có thể xảy ra khi công nghệ sử dụng là công nghệ mở. Ngoài ra, nghiên cứu sản xuất thiết bị dựa trên công nghệ mở cũng sẽ cho phép các doanh nghiệp công nghệ tăng cường hợp tác, kết hợp sức mạnh của nhau để phát triển nhanh hơn, cải tiến công nghệ hơn.

Trong đại dịch COVID-19, nhiều ứng dụng "Make in Vietnam", điển hình như Bluezone và CoMeet, đã được mở mã nguồn hoặc phát triển nhanh trên nền nguồn mở nhằm góp phần phòng chống dịch bệnh và đưa cuộc sống người dân sớm trở lại trạng thái bình thường.

Chia sẻ tại diễn đàn, người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới làm chủ thiết bị 5G. Cụ thể, Việt Nam hiện đang phát triển công nghệ 5G dựa trên chuẩn mở Open RAN và mạng 5G Việt Nam cũng sẽ dùng chuẩn mở.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, mặc dù xuất phát của Việt Nam là thấp, tuy nhiên, hai doanh nghiệp công nghệ lớn của đất nước là Viettel và Vingroup, sau một thời gian độc lập phát triển công nghệ 5G, đã thống nhất hợp tác phát triển 5G theo chuẩn mở Open RAN. Trong đó, Vingroup tập trung làm phần cứng là phần vô tuyến còn Viettel tập trung làm phần mềm là phần xử lý tín hiệu và tích hợp thành sản phẩm thương mại.

Công nghệ mở - Chìa khóa giúp làm chủ công nghệ và khai phóng năng lực sáng tạo - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

"Sự hợp tác này đã đẩy nhanh tiến độ làm chủ thiết bị cũng như kết hợp thế mạnh công nghệ của nhau để có được thiết bị 5G cạnh tranh quốc tế. Ngoài ra, sự kết hợp này cũng cộng lại thị trường của hai tập đoàn để tạo ra một thị trường lớn hơn" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ đã ra mắt cổng quốc gia về mở dữ liệu data.gov.vn và hiện đã có trên 10.000 bộ dữ liệu.

Với tầm quan trọng của công nghệ mở, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã kêu gọi mỗi cơ quan, doanh nghiệp cần nhận lấy cho mình một sứ mệnh, một bài toán và cam kết hành động. Trong đó, cơ quan Nhà nước cần hành động để xây dựng chính sách, chiến lược. Còn doanh nghiệp cần hành động để phát triển các nền tảng. Các cơ sở đào tạo cũng cần hành động để nuôi dưỡng và phát triển cộng đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước