Trong những năm qua, ngành Thông tin và Truyền thông đã có sự phát triển bứt phá, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, được Đảng và Nhà nước giao với những thành tựu quan trọng. Hầu hết các chỉ tiêu phát triển ngành đề ra đều đạt được hoặc vượt các mức đã đề ra.
Cụ thể, năm 2022, doanh thu toàn ngành Thông tin và Truyền thông đạt 3.893.595 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2021 và gấp 1,5 lần so với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 của cả nước; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 98.982,30 tỷ đồng, tăng 24,7% so với năm 2021.
Tổng số lao động toàn ngành năm 2022 là 1.510.027 lao động, tăng 5% so với năm 2021. Năng suất lao động ngành Thông tin và Truyền thông (tính theo đóng góp vào GDP) ước đạt khoảng 648 triệu đồng, tốc độ tăng năng suất lao động là 6,7% so với năm 2021.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 10/2023 ước đạt 3.016.617 tỷ đồng. Lũy kế nộp ngân sách toàn ngành tính đến hết tháng 10/2023 ước đạt 79.014 tỷ đồng.
Theo ông Đỗ Công Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, để đạt được những kết quả đó, công tác thông tin, truyền thông đã có những đóng góp không nhỏ, trong đó có sự tham gia trực tiếp, tích cực của những người làm công tác thông tin, truyền thông toàn ngành, của các nhà báo, phóng viên chuyên trách truyền thông về Bộ, về ngành Thông tin và Truyền thông tại các cơ quan báo chí. Đây là những người có vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp, chuyển tải những thông tin chính thống về Bộ, ngành Thông tin và Truyền thông, về từng lĩnh vực tới công chúng và các phương tiện truyền thông.
Tại Hội nghị Tập huấn nghiệp vụ công tác thông tin, tuyên truyền của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2023, ông Đỗ Công Anh đã công bố hình thành Mạng lưới truyền thông ngành Thông tin và Truyền thông. Theo Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng được mạng lưới truyền thông thống nhất, kết nối các cơ quan, đơn vị của Bộ, của ngành với các cơ quan báo chí.
Ông Đỗ Công Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin - đã công bố hình thành Mạng lưới truyền thông ngành Thông tin và Truyền thông
Mạng lưới truyền thông bao gồm:
- 32 cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đều có đại diện lãnh đạo và chuyên viên phụ trách về truyền thông và phối hợp thường xuyên với Bộ Thông tin và Truyền thông để bảo đảm trao đổi, cung cấp kịp thời những thông tin chính thống phục vụ công tác truyền thông.
- 63/63 Sở Thông tin và Truyền thông đều có lãnh đạo Sở và cán bộ phụ trách truyền thông phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Thông tin của Bộ để thực hiện thống nhất nội dung truyền thông về các hoạt động của Bộ, của ngành và các địa phương trong cả nước.
Đặc biệt, mạng lưới có sự tham gia của gần 80 nhà báo, phóng viên chuyên trách của trên 50 cơ quan báo chí đã góp phần quan trọng phục vụ tốt công tác truyền thông, tạo sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận trong hành động để làm nên những thành công bước đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ và trọng trách của Bộ, của ngành Thông tin và Truyền thông được Đảng, Nhà nước giao.
Trung tâm Thông tin với trách nhiệm là đơn vị đầu mối giúp lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị và các cơ quan báo chí tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông về các hoạt động của Bộ, của ngành.
Sự cần thiết của Mạng lưới truyền thông ngành Thông tin và Truyền thông
Theo ông Đỗ Công Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, các phóng viên là những người thường rất xông xáo, chủ động thiết lập quan hệ và mỗi phóng viên sẽ có mạng lưới riêng của mình, gồm các phóng viên báo bạn và các đầu mối thân thiết ở các đơn vị chuyên môn.
Trong khi đó, các đơn vị chuyên môn có đơn vị rất chủ động, phân công lãnh đạo và chuyên viên phụ trách công tác truyền thông, làm việc gì cũng chuẩn bị sẵn thông tin, tư liệu, chủ động thiết lập nhóm truyền thông và cung cấp thông tin. Nhưng cũng có những đơn vị chưa chủ động, chưa chú trọng hoặc quan tâm đến công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách của ngành, của Bộ, thậm chí né tránh hoặc không muốn tiếp xúc với giới truyền thông.
Các Sở Thông tin và Truyền thông cũng tương tự, có những Sở rất chủ động, có những Sở thì chưa quan tâm hoặc có quan tâm nhưng chưa có điều kiện để tạo dựng kết nối với các cơ quan báo chí.
Kết quả là khi muốn truyền thông về chính sách hoặc về những việc minh làm tốt thì không lan tỏa được. Khi có sự cố thì cũng không biết làm thế nào để xử lý sự cố truyền thông. Khi đó, những đơn vị này thường sẽ kết nối đến Cục Báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử để xin tư vấn. Mạng lưới truyền thông ngành Thông tin và Truyền thông hình thành để giải quyết các việc này.
Theo Giám đốc Trung tâm Thông tin, với mạng lưới truyền thông thống nhất, thông tin để truyền thông cần sẵn sàng và luân chuyển thông suốt trong mạng lưới. Thông tin phải rõ ràng, dễ hiểu để đạt được hiệu quả truyền thông, ví dụ: chính sách đó đưa ra thì mang lại cái gì cho người dân, đất nước, cho sự phát triển Ngành; giải quyết vấn đề gì cả xã hội... Thông tin chỉ dễ lan tỏa khi nó là một câu chuyện. Thành viên của mạng lưới cần cởi mở, chia sẻ, đồng cảm và cùng hướng đến mục tiêu chung là phát triển ngành Thông tin và Truyền thông, phát triển đất nước; giải quyết được các vấn đề xã hội, người dân, doanh nghiệp quan tâm; bên cạnh tính phản biện thì luôn kèm theo đề xuất và cuối cùng là phục vụ cho chính công việc, nhiệm vụ của từng thành viên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!