Hội nghị đã thu hút hơn 70 các nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực vật lý cơ bản, vật lý thiên văn đến từ 25 quốc gia trên thế giới.
‘ Quang cảnh hội nghị. (Ảnh Phunuonline)
“Có hay không những hành tinh giống Trái Đất tồn tại bên ngoài Hệ Mặt Trời và liệu con người có phải là sinh vật sống duy nhất trong vũ trụ”. Đây là những câu hỏi tò mò của tất cả chúng ta, không riêng gì các nhà khoa học.
Câu hỏi này cũng đã được Giáo sư Michel Mayor, Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Pháp và Mỹ, người khám phá ra hành tinh đầu tiên ngoài Hệ Mặt Trời năm 1995, đặt ra trong phiên khai mạc hội nghị sáng 21/4. Theo giáo sư Mayor, Hệ Mặt Trời chỉ là một phần rất nhỏ trong dải ngân hà rộng lớn với hàng trăm tỷ ngôi sao cách nhau hàng trăm nghìn năm ánh sáng và cho đến nay vẫn chưa có gì chắc chắn là liệu có hành tinh nào giống Trái Đất năm trong số những ngôi sao đó hay không. Tuy nhiên, với công nghệ nghiên cứu ngày càng hiện đại cho phép con người quan sát những hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời như hệ thống kính thiên văn khổng lồ Alma, chúng ta sẽ dần tìm ra câu trả lời cho vấn đề trên.
Sau phiên khai mạc, Hội nghị sẽ còn tiếp tục với những báo cáo trình bày những kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực vật lý thiên văn của các nhà khoa học quốc tế như: sự hình thành hệ hành tinh khối lượng thấp trên những quỹ đạo nhỏ, tiến hóa của khí quyển các ngoại hành tinh hay tương lai của việc khảo sát hành tinh sử dụng các thiết bị trên mặt đất…
Bên lề hội nghị còn diễn ra buổi nói chuyện của giáo sư Mayor với các nhà khoa học trẻ Việt Nam và những người yêu thiên văn về khoa học vũ trụ có chủ đề “Thế giới khác ngoài vũ trụ”. Hội nghị sẽ diễn ra cho đến hết ngày 26/4.