Phiên tọa đàm "Triển khai AI trong thực tế" diễn ra vào chiều ngày 4/12 trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024 là tọa đàm rất được mong đợi bởi trí tuệ nhân tạo là chủ đề rất nóng trong thời gian quan. Chủ tọa phiên thảo luận là TS. Xuedong Huang - Giám đốc Công nghệ, Tập đoàn Zoom (Hoa Kỳ), Thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture.
Theo các diễn giả, trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đang là công nghệ nền tảng, đóng vai trò cốt lõi trong việc cách mạng hóa nhiều ngành công nghiệp như kinh doanh, giáo dục, y tế và chăm sóc khách hàng.
GS Yann LeCun, Đại học New York, Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta, người được xem là "cha đẻ" của AI (Ảnh: BTC)
Các mô hình AI tiên tiến nhất hiện nay như Llama 3, GPT-4 và Gemini 1.5 đã không chỉ nâng cao khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên mà còn mở ra nhiều cơ hội ứng dụng thực tiễn, giúp tối ưu hóa hiệu suất sản phẩm và dịch vụ, đồng thời cải thiện đáng kể trải nghiệm người dùng.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu số hóa mạnh mẽ, AI đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và tổ chức khi nắm bắt kịp thời các xu hướng công nghệ tiên tiến.
Tuy nhiên, song hành với sự phát triển, việc triển khai AI cũng đặt ra nhiều thách thức lớn về đạo đức, quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu. Khả năng thu thập và phân tích lượng thông tin khổng lồ của AI làm dấy lên những lo ngại về bảo mật thông tin cá nhân và lạm dụng dữ liệu.
Trình bày tham luận "Mở rộng quy mô AI để tạo ra tác động thực tiễn: Thách thức, đột phá và định hướng tương lai", GS Yann LeCun, Đại học New York, Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta, người được xem là "cha đẻ" của AI đã có những chia sẻ về sự phát triển của AI cũng như triển khai AI trong những năm tới.
"Các bạn chưa thấy đâu, nhưng AI sẽ còn tốt hơn trong nhiều năm tới, còn hiện tại vẫn còn những hạn chế và chưa đạt đc mức độ thông minh của một con mèo. AI gần với trí tuệ con người trong tương lai có thể là 10 năm… Làm sao tạo ra 1 hệ thống AI có thể phục vụ theo mục tiêu là chủ đề nghiên cứu cho vài năm tới", GS Yann LeCun chia sẻ.
"Chúng ta có vô số ý kiến khác nhau về AI cả tích cực và tiêu cực. Có người lo ngại nó sẽ thay thế mình, nhưng có người thấy hệ thống máy tính có AI thì tốt hơn, hoàn thành hàng triệu phép tính, tốt hơn so với con người.
Các nhà khoa học trong phiên thảo luận "Triển khai AI trong thực tế" diễn ra vào chiều ngày 4/12 trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024
Vào những năm 60, người ta đã nói 10 năm nữa là có AI thay thế con người, nhưng như các bạn thấy, giờ mới đang phát triển thôi. Khó khăn còn nhiều và ta không hình dung được hết đâu. Để có một đường hướng cho việc phát triển AI còn rất khó khăn. Nhưng cần hiểu rằng, để có một thực thể thông minh hơn chúng ta không có nghĩa là nó thông minh ở mọi lĩnh vực mà chỉ ở một vài lĩnh vực thôi. AI cần phát triển thì cần con người dạy kỹ năng", người được xem là "cha đẻ" của AI nói thêm.
Khuyến nghị về sự phát triển của AI trong thời gian tới, GS Yann LeCun nhấn mạnh, cần có một tiếp cận khác.
"Hãy bỏ mô hình AI tạo sinh, xác suất hay mô hình học giám sát, tiếp cận cách khác để thông minh hơn. Hãy làm sao để bổ sung kiến thức của con người, làm sao để nền tảng AI là mở. Chúng ta cần một hệ thống trong tương lai để có thể nói được mọi ngôn ngữ trên thế giới, nếu AI có thể được đào tạo. Chúng ta cần một mã nguồn mở. Khi đó, AI mã nguồn mở mới đạt được gần cấp độ con người", GS Yann LeCun cho biết.
Việt Nam cần làm gì để có môi trường nghiên cứu AI tốt hơn?
Trả lời câu hỏi Việt Nam cần cải thiện gì để có môi trường nghiên cứu AI tốt hơn, GS Yann LeCun cho biết, việc đưa các trường Đại học, các viện nghiên cứu trở thành nơi thu hút nhân tài, kết nối và mở ra cơ hội cho những người trẻ là vô cùng quan trọng.
"Tôi thành lập chi nhánh Fair (phòng nghiên cứu) ở Pháp năm 2015, nhận thấy Paris là nơi nóng nhất cho khởi nghiệp về AI, nhiều ý tưởng lớn từ kỹ sư được nhà nghiên cứu tiếp nhận và tìm hiểu. Tại Việt Nam, các trường đại học cần tập trung tài năng, thu hút hoạt động nghiên cứu về AI ở đó, từ đó tạo động cơ cho người trẻ tuổi.
Việt Nam có lợi thế là dân số trẻ, đầu tư tốt cho giáo dục đại học, ngành STEM… sẽ tạo cơ hội cho người trẻ có cơ hội, thực hiện tham vọng và kết nối. Họ cùng những người đã học ở nước ngoài sẽ tụ tại đây để mở ra nhiều cơ hội phát triển", GS Yann LeCun cho hay.
Lễ trao giải VinFuture 2024 sẽ chính thức diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm vào ngày 6/12/2024. Đây là thời khắc quan trọng để vinh danh những phát minh và công nghệ đột phá, được lựa chọn từ gần 1.500 dự án nghiên cứu đề cử bởi hơn 9.000 đối tác đến từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam vào 20h10 ngày 6/12.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!