Các thông báo cập nhật tình hình thời tiết được gửi cho người dân tại những địa phương chịu ảnh hưởng của mưa lũ
Mưa lớn, lũ quét, sạt lở trong những ngày qua đang gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Nguy cơ thiệt hại thậm chí còn có thể lớn hơn do biển Đông liên tục xuất hiện áp thấp nhiệt đới đang tiến nhanh vào đất liền. Người dân cần theo dõi các kênh chính thống để kịp thời cập nhật tin tức.
Theo sát diễn biến, cảnh báo kịp thời các rủi ro
Để kịp thời đưa những thông tin về bão lũ đến người dân, bên cạnh các công cụ truyền thống như các bản tin dự báo, website chính thức, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã phát triển thêm thêm tài khoản chính thức trên Zalo. Để nhận thông tin chính thống, nhanh chóng trên Zalo người dân chỉ cần tìm và quan tâm trang OA "Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia"
Các nội dung trên Zalo "Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia" được thể hiện rất đa dạng bằng hình ảnh, Infographic đến các bài viết cập nhật diễn biến mưa bão tại mỗi địa phương, tóm tắt, nhận định của chuyên gia.
Theo TS. Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, trong thời đại công nghệ số với sự bùng nổ của internet, việc người dân sở hữu chiếc máy tính hay điện thoại thông minh có kết nối internet ngày càng trở nên phổ biến.
Nguy cơ sạt lở sau mưa lũ gây nguy hiểm cho người dân
"Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ trong việc truyền tải những thông tin bão lũ đến người dân, đã và đang phát huy hiệu quả rất tốt, tiết kiệm thời gian, chi phí. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin nhanh chóng và chính xác" - ông Mai Văn Khiêm nhấn mạnh.
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia kỳ vọng việc bổ sung nhiều phương thức truyền tải thông tin khí tượng thuỷ văn, thiên tai trong đó có Zalo một trong những nền tảng có lượng người dùng lớn sẽ giúp các thông tin dự báo, cảnh báo này đến cộng đồng nhanh hơn, cập nhật thường xuyên hơn.
Từ tháng 8 đến tháng 10/2021, thông qua kênh Zalo "Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia" đã có hơn 116 triệu tin nhắn được gửi đến người dân tại các tỉnh thành bị ảnh hưởng bởi bão lũ như: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai... Qua đó, cung cấp nhanh chóng, chính xác diễn biến về tình hình bão lũ, thiên tai của từng địa phương đến người dân sinh sống tại nơi đó.
Cũng theo Trung tâm Dự báo TTTV Quốc gia từ nay đến ngày 30/10, khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ sẽ có mưa to, có nơi mưa rất to do ảnh hưởng của không khí lạnh và nhiễu động gió Đông. Vì mưa lớn nên nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Đồng Nai và khu vực Tây Nguyên là rất lớn.
"Bên cạnh đó, khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên cũng vừa trải qua đợt mưa lũ lớn, tại các vùng đồi núi đất đá đã bão hòa nước nên nguy cơ trượt lở đất đá vẫn ở mức cao. Vì vậy, người dân cần đề phòng với các hiện tượng trượt lở tránh gây thiệt hại về người và tài sản vật chất" - ông Khiêm nói thêm.
Chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai
Song song với việc theo sát diễn biến, cảnh báo kịp thời các rủi ro do mưa lũ, thiên tai tại trang Zalo "Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia", người dân còn có thể theo dõi trang Zalo "BCĐ Quốc gia Phòng chống thiên tai".
Đây là kênh thông tin chính thức của Tổng Cục phòng chống thiên tai cung cấp thông tin chính thống về tình hình thời tiết, cảnh báo thiên tai và đặc biệt là những hướng dẫn phòng tránh bão lụt, ổn định cuộc sống sau thiên tai.
Người dân tìm (quét QR) và quan tâm trang Zalo “BCĐ Quốc gia Phòng chống thiên tai” để nhận thông tin chính thống, nhanh chóng
Cụ thể, trong những đợt bão lũ vừa qua, song song cập nhật nhanh chóng được tình hình thời tiết, cảnh báo khẩn cấp, trang này còn giúp trang bị nhiều kiến thức thiết yếu để ứng phó với mưa lũ, sạt lở cho người dân thông qua các nội dung thiết thực như: những việc cần làm trước khi lũ, lụt xảy ra; hướng dẫn kỹ năng an toàn trước lũ, lụt...
Với cách thể hiện dễ hiểu, dễ thực hiện người dân có thêm một kênh thông tin hữu ích về các kỹ năng quan trọng ứng phó với thiên tai, qua đó, giúp giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra.
Mưa lũ khiến nhiều nhà dân vùng hạ du huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) ngập sâu
Trong những ngày tới, để chủ động đối phó với diễn biến của mưa lũ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Bình Định, các Bộ, ngành triển khai thực hiện việc theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn cho người, tài sản và sản xuất.
Các tỉnh, thành phố rà soát các phương án ứng phó với tình huống lũ quét, sạt lở đất; Tổ chức lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn...
Đặc biệt, tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân tại các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, chia cắt. Rà soát công tác chuẩn bị lương thực, thực phẩm theo phương châm 4 tại chỗ đề phòng ngập lụt, chia cắt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!