Theo giới công nghệ, đây là cách thức khá phổ biến hiện nay để giới hacker thu lợi bất chính. Đã có những cảnh báo về việc nó đang trở thành một “ngành công nghiệp” gây nguy hiểm cho người sử dụng.
‘ Hình minh họa
Trong khi các ứng dụng trò chơi phổ biến trên điện thoại thông minh có thể mất 2 - 3 năm để thiết kế, chỉ mất 10 giây, kẻ xấu có thể tự viết ra một ứng dụng trò chơi giả mạo có gắn mã độc. Sau khi tải ứng dụng này, máy điện thoại của người dùng sẽ tự động gửi tin nhắn tới các đầu số tính cước cắt cổ, 15000 đồng/tin nhắn, tức là gấp hàng chục lần mức giá thông thường.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch phát triển công nghệ BKAV cho biết: “Mã độc xuất hiện trong 5 tháng đầu năm chiếm 40%. Người sử dụng cài nhầm, không thể biết được vì mã độc gửi tin nhắn âm thầm, mỗi lần trừ 15.000 đồng và sau đó vẫn chạy ứng dụng như bình thường”.
Cũng theo thống kê của BKAV, các ứng dụng mã độc đã móc túi người tiêu dùng khoảng 3,9 tỷ đồng mỗi ngày, tức là khoảng hơn 1400 tỷ đồng mỗi năm và vẫn còn tiếp tục tăng trưởng chóng mặt. Mối nguy hại khôn lường nhưng phần lớn người sử dụng điện thoại thông minh hiện nay chẳng bao giờ để ý liệu máy của mình có bị nhiễm mã độc hay không.
Theo chuyên gia, người tiêu dùng hoàn toàn có thể ngăn ngừa nếu luôn tỉnh táo và áp dụng một vài thủ pháp đơn giản.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, người dùng nên tự cảnh giác, tải phần mềm từ nguồn chính thống và nên cài phần mềm an ninh cho thiết bị smartphone của mình.
Vừa là người bị hại nhưng nếu không cẩn thận, bản thân người sử dụng điện thoại lại đang tiếp tay nâng đỡ cho một ngành công nghiệp đen. Biện pháp hữu hiệu nhất đê ngăn ngừa không gì hơn là người tiêu dùng chủ động nâng cao ý thức về những mối hiểm nguy tiềm tàng trong môi trường không gian thiết bị di động.