Trên các gian hàng ứng dụng trực tuyến của Apple, hãng này đều có
biện pháp khá kịp thời và chặt chẽ để loại bỏ những ứng dụng rác độc hại
cũng như phê duyệt các ứng dụng mới đưa lên gian hàng. Nhưng trên thực
tế, việc kiểm soát vẫn còn bỏ sót khá nhiều trường hợp ứng dụng gây tác
hại đối với người dùng.
Các nhà phát triển ứng dụng dạng "ăn sổi" đã tìm được cách để đưa ứng
dụng trà trộn vào chợ. Những ứng dụng này có thể không độc hại về bản
chất nhưng mục đích của chúng thường là đánh lừa người dùng, làm cho
người dùng tưởng rằng đó là một ứng dụng tốt của một thương hiệu danh
tiếng và bỏ tiền ra mua.
Trang How To Geek đã phát hiện ra phương thức mà những nhà phát triển
dạng này thực hiện trên App Store cho máy tính Mac. Trang web này đã
chỉ ra rằng những nhà phát triển ứng dụng này đã không chỉ kiếm tiền bất
chính từ việc gây hiểu lầm cho người dùng, mà còn gây ảnh hưởng lớn đến
uy tín của Apple.
Trên chợ ứng dụng App Store cho máy Mac, cái tên Microsoft Excel là
một ví dụ hoàn hảo, vì có một số lớn ứng dụng được liệt kê khiến người
dùng tưởng là "xịn", nhưng thay vào đó, chỉ là các add-on yêu cầu cài
đặt Microsoft Excel.
Khi tìm kiếm với từ khóa Microsoft Excel, hàng loạt các ứng dụng ăn theo được hiển thị.
Đơn cử như ứng dụng Office Bundle giá 29 USD sẽ xuất hiện khi người
dùng tìm kiếm từ khóa "Microsoft Excel" và được mô tả là "cách dễ nhất
để tạo ra các tài liệu Word, bảng tính Excel, và PowerPoint chất lượng
cao". Tiếp theo mô tả đó là một danh sách tính năng tổng quát của
Microsoft Office và một thông điệp nhỏ ở phía dưới nói rằng iOffice
không "liên quan gì" đến Microsoft cả. Phần mềm này thực sự chỉ là một
gói template, nhưng danh sách của nó lại không hề nói gì về việc phân
loại.
Bên cạnh đó, Microsoft Office Suite không có trên App Store cho Mac
và nhiều người dùng có thể sẽ không nhận ra điều này. Lợi dụng lỗ hổng
này, hàng loạt những gói template đã được đăng lên và được ngụy trang
như các ứng dụng của Microsoft. Thậm chí còn có các ứng dụng được liệt
kê tính phí 20 USD hoặc nhiều hơn để cung cấp phiên bản trực tuyến miễn
phí của Microsoft Office vào một trình duyệt chuyên dụng. Và để sử dụng,
người dùng còn phải trả thêm cho các trình soạn thảo Office với chữ
"Microsoft" trong tên của chúng dựa trên phần mềm mã nguồn mở.
Vấn đề trên không chỉ xuất hiện với các ứng dụng liên quan đến
Office. Phương pháp này được sử dụng trên một loạt các thương hiệu nổi
tiếng. Người dùng Mac chỉ cần tìm kiếm phần mềm xuất bản InDesign khá
nổi tiếng của Adobe và họ sẽ không tìm thấy các công cụ thực, nhưng các
gói video hướng dẫn lại có biểu tượng gần giống logo chính thức
InDesign. Ngoài ra, khi tìm kiếm "Firefox" hoặc "Chrome", người dùng sẽ
thấy phần mềm đáng ngờ có tên "Fast Browser" giá 1 usd. Báo cáo của How
To Geek còn phát hiện một số ứng dụng mà người dùng Mac hoàn toàn không
cần dùng đến.
Nhìn chung, điểm cốt lõi mà báo cáo của How To Geek muốn nói đến, đó
là những kẻ lừa đảo đang ăn theo các thương hiệu chính thống để thu hút
khách hàng cả tin và lợi dụng những khách hàng này để kiếm tiền bất
chính. Có lẽ, Mac App Store nên là dự án tiếp theo của Apple khi hãng đã
thanh lọc các ứng dụng trên App Store cho các thiết bị iOS.