Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mong muốn đưa nước Pháp thành quốc gia khởi nghiệp, nắm bắt các công nghệ tiên tiến, đồng thời khẳng định sẽ theo đuổi việc chuyển đổi số sang mạng 5G vì đây là sự thay đổi theo hướng đổi mới.
Pháp đã bắt đầu bán đấu giá tần số vô tuyến để triển khai công nghệ mạng 5G. Các nhà mạng Operators Orange, SFR, Bouygues Telecom và Free đang đấu thầu 11 khối tần số hiện chưa được sử dụng nhằm cung cấp dịch vụ mạng 5G tại một số thành phố của Pháp vào cuối năm nay. Theo kế hoạch, phiên đấu giá chính sẽ diễn ra trong 10 ngày, sau đó phiên đấu giá thứ hai sẽ được tổ chức để xác định vị trí chính xác của các nhà khai thác trên mỗi băng tần. Tuy nhiên mối quan tâm của nhiều người dân Pháp lúc này là liệu sóng 5G có ảnh hưởng đến sức khỏe của họ hay không?
Bà Cedric O, Bộ trưởng Các vấn đề Kỹ thuật số của Pháp cho biết: "Chính phủ sẽ có kế hoạch kiểm soát dành riêng đối với những cột phát sóng 5G để đảm bảo rằng tất cả người dân không bị ảnh hưởng đến sức khỏe".
Tại sao bà Cedric O lại phải trấn an người dân Pháp vào thời điểm này? Quay trở lại hồi tháng 4 năm nay, mạng xã hội tại châu Âu lan truyền tin giả rằng các cột phát sóng 5G tại Anh có thể khiến virus SARS-Cov-2 lây lan nhanh hơn, dẫn đến việc nhiều người đã đốt các cột thu phát sóng 5G. Điều này chứng minh một thực tế rằng dù chính phủ triển khai xây dựng mạng 5G, song thông tin của người dân về loại mạng siêu nhanh này chưa thật đầy đủ. Hoặc đến cả bây giờ, nhiều người tiêu dùng châu Âu vẫn chỉ nghĩ đơn giản, việc chuyển đổi số sang mạng 5G chỉ giúp họ tải những bộ phim trên mạng internet nhanh hơn mà thôi.
Ông Thierry Breton, Cao ủy châu Âu phụ trách về Thị trường và Công nghệ nội khối, nói: "Phải nhấn mạnh rằng 5G cho phép chúng ta tiêu thụ ít năng lượng hơn, làm việc theo cách an toàn và đổi mới. Người ta thường nói rằng 5G chỉ hữu ích để truy cập nhanh hơn vào các bộ phim. Đây quả là điều châm biếm và tôi sẽ không bình luận thêm nữa. Các bạn nên hiểu rằng chúng ta sẽ có thể đổi mới về y học như phẫu thuật từ xa, robot, trí tuệ nhân tạo, bảo mật cho kết nối, ngăn tai nạn và điều phối giao thông, quản lý mạng lưới năng lượng. Tất cả sẽ được quản lý cùng lúc nếu chuyển đổi số diễn ra đồng bộ".
Châu Âu đang hy vọng hoàn thành mảnh ghép trong bản đồ 5G thế giới nhưng cuộc chạy đua phát triển 5G một cách toàn diện sẽ cần các chính phủ phải đạt được nhiều thỏa thuận chung hơn nữa để đuổi kịp các đối thủ châu Á.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!