Ba trụ cột công nghệ số để Việt Nam chạm tới kỷ nguyên vươn mình

Ngọc Hiền - Phi Long-Thứ tư, ngày 15/01/2025 15:41 GMT+7

VTV.vn - Sáng ngày 15/1, Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam.

Diễn đàn có sự tham dự của Tổng Bí thư Tô Lâm và đại diện cơ quan Đảng, cơ quan của Quốc hội; lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương; đại diện các tổ chức nghiên cứu, đào tạo trong nước; đại diện các hiệp hội trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, đại diện các nhóm doanh nghiệp công nghệ số Make in Viet Nam; các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ số; các cơ quan thông tấn, báo chí và các đại biểu quốc tế.

Ba trụ cột: Đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số

Với chủ đề "Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam", diễn đàn đưa ra các thông điệp của Đảng, Chính phủ trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nhằm làm chủ công nghệ số, công nghệ chiến lược, và đề xuất nhận nhiệm vụ chiến lược triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh về tầm quan trọng của Nghị quyết 57-NQ/TW, xác định, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là ba trụ cột chính để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. 

Trong đó, khoa học công nghệ là nền tảng tạo ra tri thức mới và công việc mới; đổi mới sáng tạo là động lực chuyển hóa các tri thức mới, công nghệ mới thành ý tưởng mới, giải pháp mới, biến các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm mới, dịch vụ mới, quy trình mới, tạo ra các giá trị thực tiễn để phát triển kinh tế xã hội.

Ba trụ cột công nghệ số để Việt Nam chạm tới kỷ nguyên vươn mình - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công số Việt Nam lần thứ VI.

Nghị quyết chuyên đề này là đặc biệt quan trọng về Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, với nhiều quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp lớn có tính cách mạng, giống như Nghị quyết Khoá 10 cho nông nghiệp cách đây 40 năm, nhưng lần này là cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Từ chỗ thiếu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chúng ta sẽ tiến tới đủ, thừa, xuất khẩu và xuất khẩu lớn về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giống như chúng ta đã làm được đối với nông nghiệp. 

“Từ nay, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã thực sự trở thành cuộc cách mạng của toàn Đảng và toàn dân, bước vào giai đoạn phát triển đột phá. Chúng ta kỳ vọng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ góp phần đặc biệt quan trọng để Việt Nam vươn mình đứng dậy, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao vào năm 2045”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra những cơ hội mới và thời cơ có một không hai cho Việt Nam. Công nghệ có thể giải những bài toán Việt Nam một cách hiệu quả. Việt Nam với những vấn đề của mình chính là thị trường để sinh ra những doanh nghiệp công nghệ. Việt Nam cũng là cái nôi để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra toàn cầu và giải những bài toán toàn cầu.

Doanh nghiệp công nghệ số giữ vai trò chủ lực kinh tế

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nói đến công nghệ là nói đến nhân tài. Có rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã thành danh về công nghệ, đã đến lúc về Việt Nam hoặc kết nối với Việt Nam để xây nên những doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. 

Nhân tài có đặc tính toàn cầu. Việt Nam chúng ta sẽ tạo ra điều kiện để nhân tài toàn cầu hội tụ về đây, cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới, với cách tiếp cận sandbox, chấp nhận rủi ro: Cái gì chưa biết quản lý thế nào thì sẽ không cấm mà cho phép thử nghiệm có kiểm soát. Những đặc khu công nghệ, đặc khu đổi mới sáng tạo, với nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội dành cho doanh nghiệp công nghệ đổi mới sáng tạo.

Ba trụ cột công nghệ số để Việt Nam chạm tới kỷ nguyên vươn mình - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình trao giải Vàng tại lễ trao giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2024.

Từ ý thức vươn mình đó, Make in Viet Nam như một sự khẳng định đây là các sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam và bởi các doanh nghiệp Việt Nam. Make in Viet Nam là một khẩu hiệu hành động. Make in Vietnam là một tinh thần tự cường, tinh thần làm chủ ứng dụng và làm chủ công nghệ, từ làm chủ ứng dụng tới làm chủ công nghệ.

"Make in Viet Nam sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hòa bình lâu dài vì nó góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng an ninh hùng mạnh để bảo vệ Việt Nam. "Chiếc nỏ thần" bảo vệ Việt Nam sẽ chỉ có thể do người Việt Nam làm ra. Từ nay, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp lớn, phải nhận lấy sứ mệnh Việt Nam và làm rạng danh Việt Nam", Bộ trưởng nhận định.

Theo số liệu thống kê, năm 2024, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số ước đạt 157,984 tỷ USD, tăng 10,20% so với năm 2023, tăng trưởng bình quân giai đoạn là 9,95%; giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số đạt 31,8%, tăng từ 21,35% vào năm 2019; tổng số nhân lực đạt 1,67 triệu người, tăng 67% so với năm 2019; toàn ngành có 73.788 doanh nghiệp đang hoạt động tăng 10,12% so với năm 2023.

Việt Nam đang được xếp hạng top đầu thế giới: Đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử; đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm.

Tính đến hết năm 2024, có gần 1.900 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng 26,67% so với năm 2023, với tổng doanh thu khoảng 11,5 tỷ USD, tăng 53,3% so với năm 2023, trong đó đã hình thành được một số doanh nghiệp phần mềm lớn có khả năng cạnh tranh, cung cấp dịch vụ cho các thị trường hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước