Đây là khẳng định của ông Trần Việt Vĩnh, CEO một công ty Fintech tại Việt Nam.
Khoảng một năm trở lại đây, mô hình cho vay ngang hàng (Peer to Peer – P2P Lending, một dạng kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực tài chính bắt đầu phổ biến ở Việt Nam với sự ra đời của hàng loạt công ty cho vay trực tuyến.
Cho vay P2P đang phát triển mạnh mẽ
Theo số liệu từ Ngân hàng thế giới (WB), tại Việt Nam, cứ trong 3 người thì chỉ có ít hơn 1 người tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng và có xấp xỉ 53 triệu người lao động gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các khoản vay tiêu dùng cá nhân hoặc phục vụ vốn kinh doanh nhỏ. Đây cũng chính là cơ hội của cho vay tiêu dùng thông qua hình thức trực tuyến của P2P Lending.
Trên thế giới, các mô hình cho vay ngang hàng đang phát triển bùng nổ. Mô hình này lần đầu tiên xuất hiện ở Anh (Zopa, Funding Circle), sau đó thành công tại thị trường Mỹ (Lending Club, Prosper, SoFi, OnDeck, Avant) và đạt đỉnh tại Trung Quốc (Lufax, JimuBox, Dianrong, PPdai, Renrendai).
Ông Trần Việt Vĩnh (áo xanh) khẳng định tầm quan trọng của AI, Big Data trong lĩnh vực cho vay cá nhân trực tuyến
Theo thống kê năm 2015 của Prime Meridian Capital Management và China News, thị trường cho vay ngang hàng tại Mỹ đạt khoảng 18 tỷ USD, tại Trung Quốc là 150 tỷ USD về quy mô giao dịch. Một báo cáo của PricewaterhouseCoopers dự báo quy mô giao dịch tại thị trường Mỹ có thể tăng lên đến 150 tỷ USD vào năm 2025.
Nền tảng cho vay ngang hàng giúp người có nhu cầu vay tiền từ nhà đầu tư mà không cần qua trung gian. Đây là phương thức hoàn toàn khác biệt với mô hình vay truyền thống bằng việc tăng khả năng kết nối thành công người có vốn và người cần vốn thông qua nền tảng trực tuyến mới cùng với hệ thống công nghệ tài chính tiên tiến.
Các khoản vay ở đây thường là nhỏ (từ 5 triệu đến 300 triệu đồng) từ nhiều người cho vay khác nhau, với thời hạn trung bình từ 1 tháng đến 2 năm. Các chuyên gia kinh tế nhận định mô hình cho vay ngang hàng có nhiều lợi ích vượt trội so với các phương thức truyền thống như thời gian xét duyệt cho vay nhanh, giao dịch trực tuyến thuận tiện, lãi suất cho vay cạnh tranh…
"Với nhiều ưu thế phù hợp, mô hình P2P Lending chắc chắn sẽ thay đổi thói quen tài chính của người Việt và bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian tới. Hiện nay trong nước đã có một số đơn vị triển khai dịch vụ này ở những bước ban đầu, nhưng quy mô thị trường rất lớn và cơ hội đang chào đón các đơn vị mới tham gia. Công ty nào có thể đột phá tiên phong về công nghệ, nghiên cứu hành vi đặc thù của khách hàng, công nghệ tự động thẩm định tín dụng (credit scoring, social scores) nhờ các thuật toán phân tích dữ liệu lớn (big data, matching algorithms), AI (trí tuệ nhân tạo) với các thông tin khách hàng có nhu cầu vay và cho vay sẽ có cơ hội vươn lên dẫn đầu thị trường", ông Trần Việt Vĩnh, nguyên Giám đốc ví điện tử Ngân Lượng, đồng sáng lập Công ty thẻ khám bệnh & thanh toán thông minh OneLink, hiện là CEO một công ty Fintech khẳng định.
Lợi ích của cho vay cá nhân trực tuyến
Mô hình P2P Lending bao gồm hình thức cho vay đảm bảo (thể chấp) và không đảm bảo (tín chấp) giống với hình thức các ngân hàng đang áp dụng hiện nay. Chỉ khác là việc thẩm định sẽ được tiến hành trực tuyến và nhà đầu tư có quyền lựa chọn đối tác cần vay trên nền tảng P2P, cũng như theo dõi nguồn lợi nhuận từ người được cho vay.
Một ưu điểm khác của cho vay P2P là mô hình này dựa trên công nghệ BigData thực hiện việc phân tích đánh giá và kiểm soát tất cả thông tin khách hàng hoàn toàn trực tuyến. Qua đó, việc thẩm định thông tin khách hàng sẽ nhanh, hiệu quả và chi phí thấp hơn rất nhiều so với hình thức truyền thống.
Theo ông Vĩnh, P2P Lending ra đời được xem là giải pháp thay thế hình thức tín dụng đen với lãi suất "cắt cổ", làm giảm các hoạt động cho vay trái pháp luật
Lãi suất được tính dựa trên cơ sở phân tích thông tin khách hàng, tài khoản mạng xã hội, tín nhiệm xã hội… và khách hàng sẽ được chia thành các nhóm tương ứng như của ngân hàng truyền thống. Hơn nữa, P2P Lending ra đời được xem là giải pháp thay thế hình thức tín dụng đen với lãi suất "cắt cổ", làm giảm các hoạt động cho vay trái pháp luật.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), ở Việt Nam có khoảng 79% người dân không được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức. Đây chính là mảnh đất "màu mỡ" cho lĩnh vực cho vay P2P Lending.
Với P2P Lending, những người có nhu cầu vay được cung cấp một dịch vụ cho vay trực tuyến với phí dịch vụ hấp dẫn và nhanh chóng, đơn giản hơn nhiều so với những hình thức vay truyền thống. Chi phí dịch vụ phù hợp sẽ dẫn đến kết quả nhà đầu tư thu về được mức lợi nhuận cao hơn khi đem so sánh với việc gửi tiết kiệm hay đầu tư vào bất kỳ một sản phẩm của ngân hàng.
Cần chú trọng hơn đến nhóm nhà đầu tư cho vay
Hiện tại ở Việt Nam, các hình thức cho vay P2P Lending phổ biến nhất chủ yếu tập trung vào các nhóm vay vốn, vay mua điện thoại, máy tính, thuê nhà, các khoản vay tiền mặt nhỏ được quy chung là vay tiêu dùng… P2P Lending cũng có thể cho vay tài sản có giá trị như ô tô và bất động sản... với hình thức có tài sản thế chấp hoặc đảm bảo giống như ngân hàng .
Có một thực tế dễ nhận thấy là các dịch vụ cho vay hiện nay tập trung nhiều hơn vào đối tượng cần vay, nhiều công ty còn trực tiếp đứng ra cho vay thay vì tập trung vào việc kết nối với những cá nhân, đơn vị có nhu cầu cho vay.
Mô hình cho vay P2P Lending còn rất nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam
Nói về thực trạng cho vay cá nhân hiện nay, ông Trần Việt Vĩnh cho rằng cần tối ưu hóa các nguồn lực xã hội hay các khoản tiền nhàn rỗi trong cộng đồng. Ngoài ra, phải đảm bảo được tính minh bạch trong việc kết nối, lựa chọn cho khách hàng vay. Công ty của ông đang sắp tung ra dịch vụ thông minh hỗ trợ nhà đầu tư tự động lựa chọn cho khách hàng cần vay mà không cần mất công tìm kiếm.
"Đơn giản, an toàn, minh bạch, tự động sẽ là chìa khoá để chúng tôi kết nối những ai cần vay tiền online với các nhà đầu tư", ông Vĩnh cam kết về dịch vụ tài chính start-up sắp ra mắt của mình trong tháng 5/2018.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!