Business Insider đã trò chuyện cùng 42 nhân viên của Tesla để tìm hiểu về môi trường làm việc tại một trong những công ty tham vọng và cũng lùm xùm bậc nhất thế giới.
ột đêm làm việc vào mùa xuân năm 2016, Elon Musk rảo bước trong nhà máy xe hơi của mình tại Fremont, California. Và ông không đi một mình. Khoác tay ông là một cô nàng tóc nâu với chiếc váy ngắn và đôi giày cao gót. Họ không mặc đồ bảo hộ, không nón hay kính. Một công nhân ngắm nhìn cặp đôi bước vào phòng hội thảo, nơi mà một bữa tối lãng mạn đã được dọn sẵn.
Nhà máy Fremont rộng hơn 490 hecta, là nơi Tesla sản xuất tất cả xe điện của họ, là một trong những nhà máy có dây chuyền tự động hóa tiên tiến nhất thế giới, là nơi làm việc của khoảng 10.000 người. Nó cũng là trung tâm của những "tấn bi hài" khi các nhân viên của Tesla chật vật để đáp ứng những yêu cầu được đề ra.
Nhưng với Elon Musk, Tesla như là một vương quốc riêng, nơi mà ranh giới giữa nhà và nơi làm việc bị xóa mờ.
"Elon cơ bản chỉ làm những gì ông ấy muốn, bất cứ khi nào ông ấy thích", người đã chứng kiến bữa tối này cho biết. Tesla đã phủ nhận đó là một buổi hẹn hò và thông tin đó chỉ là một bữa tối phục vụ cho công việc.
Với những người làm việc ở Tesla, việc chứng kiến ông chủ "hẹn hò" ngay trong nhà máy là điều bình thường. Musk có những nhân viên trung thành, những người luôn tin rằng, các nhiệm vụ bất khả thi, khi Elon Musk yêu cầu, sẽ bỗng trở nên khả thi.
"Điều tôi thích nhất ở công việc này là biến những điều không thể thành có thể" Marco Batra, một giám đốc có thâm niên 6 năm ở Tesla cho biết.
Nhân viên Tesla cũng nói rằng, họ yêu sứ mệnh của công ty khi làm ra những chiếc xe điện đẹp và thân thiện với môi trường. Lý tưởng cao quý đó đã khích lệ nhiều người trao đi tất cả những tinh hoa của họ cho Tesla.
"Đây là tương lai", Branton Phillips, một chuyên viên về vật liệu bộ phận Điều khiển sản xuất ở Fremont khẳng định. "Tôi thích những gì chúng tôi đang làm, cả sứ mệnh này. Chúng tôi đang làm nên lịch sử", Branton nói.
Đó chính xác là tinh thần khởi nghiệp mà nhiều doanh nghiệp suốt đời theo đuổi. Nhưng, đó cũng chính là điểm yếu lớn nhất của Tesla. Một công ty hừng hực khí thế được xây dựng trên hình ảnh của Musk thì cũng sẽ phải chịu đựng rất nhiều khiếm khuyết của ông ấy. Một nơi phải làm việc nhiều giờ, lộn xộn, tàn nhẫn, đầy mâu thuẫn có thể "nghiền nát" người lao động.
Jonathan Galescu, một thợ hàn làm việc trong dây chuyền xe hơi Tesla X, lên ca vào lúc 5 giờ 50 chiều và sẽ ở trong xưởng trong 10-12 tiếng để xử lý những vấn đề với thân xe. Galescu dành phần lớn thời gian đi dọc các xe, đôi lúc là chạy, để hàn khung.
Galescu bắt đầu làm ở Tesla 4 năm trước và đã chứng kiến nhiều nhân viên "ôm ấp lý tưởng" đã bị thực tế "tát" vào mặt khi bước chân làm việc tại đây.
"Nhiều người từ bỏ ngay sau 2 giờ làm việc, nhiều người thì trụ được 1 tuần. Tôi còn nhớ một cậu trai, xanh non, vừa tốt nghiệp trung học, 18 tuổi, chưa từng đi làm, bước vào cực kỳ phần khởi: Cháu muốn đi làm 7 ngày/ tuần, 12 giờ/ngày. Nhưng mà đâu đó ngày thứ 5, cu cậu gục xuống khóc lóc ngay trên sàn, rồi nghỉ không lâu sau đó".
Galescu là thành viên của một nhóm đang thúc đẩy thành lập Công đoàn tại Tesla. Giọng ông nghe mệt mỏi và hơi cáu bẳn, hình ảnh đặc trưng của những người đã làm việc quá nhiều giờ trong những điều kiện không công bằng.
Cách đó khoảng 400km, tại siêu nhà máy rộng 455 hecta, những người làm việc bên trong mô tả nó như những tổ ong ồn ào náo động.
Nhà vệ sinh ở đây phục vụ khoảng 2.400 người, có lúc lên đến 10.000. Nó thường xuyên hỗn độn với hàng người đợi đến lượt mình vào nhà vệ sinh luôn dài dằng dặc.
Một lần, một người có nhu cầu, mà nhà vệ sinh thì lại chật cứng, nên nhân viên đó đã đặt giấy vệ sinh xuống sàn, ngay cạnh nhà vệ sinh đóng cửa, rồi "đi" luôn ra đó.
"Ờ, đừng thử mà đi nhà vệ sinh 15 phút trước khi đổi ca", Gerge Stewart, trưởng bộ phận sản xuất pin tại siêu nhà máy, vừa cười vừa nói rằng, tình huống đó còn chưa là gì: "Phòng ăn trưa thì như thời trung học, đông dã man".
Công việc thì siêu nhanh và không thể đoán trước. Phải làm đồ thay thế cho mọi thứ. Nhân viên có thể được tập huấn không báo trước và lắp đặt một dây chuyền sản xuất hoàn toàn mới và chỉ có vài phút training.
Những nhân viên hạnh phúc nhất Tesla, trong đó có Stewart, tự mô tả bản thân thuộc loại nghiện công việc, họ luôn muốn làm việc hơn 70 giờ/ tuần.
"Vây quanh bạn là những người đầy đam mê và thể hiện sự cạnh tranh từng chút một", Batra, một giám đốc cho biết. Ông cũng nói thêm, ông không thể nhớ hết đã bao nhiêu lần ông ngủ lại văn phòng.
Một số công nhân cho biết, công việc ở Tesla là dễ dàng hơn và có thu nhập cao hơn nhiều công việc khác.
"Nhiều người nói rằng, ở đây rất khó, nhưng khi mới bắt đầu, tôi từng làm những công việc với mức lương thấp và phải vác 25-30kg hàng lên cầu thang". Miguel Carrera, trưởng bộ phận kỹ thuật sản xuất cho biết. Ông tình nguyện tăng ca, lên đến 70 giờ làm 1 tuần.
"Vậy nên, điều này chẳng là gì. 2 tuần trước, tôi ngủ gục trên xe. Tôi đã ở đây 2 năm, và giờ thì sắp mua được nhà. Rất nhiều thứ đã đến với tôi cùng 1 lúc từ công ty này. Với tôi, đây là công ty tuyệt nhất từ trước tới giờ", Miguel nói.
Mức độ an toàn lao động ở nhà máy của Tesla là một trong những chủ đề gây tranh cãi nhiều nhất. Vào tháng 4, Trung tâm Điều tra Báo cáo đã thông báo rằng tỷ lệ bị thương khi làm việc tại Tesla cao hơn đáng kể so với toàn ngành trong năm 2016. Đây là năm có dữ liệu cập nhật mới nhất đến lúc này.
Một kỹ sư tại Tesla tin rằng tiếng xấu của công ty về an toàn lao động là do những dư âm của những ngày đầu, còn hiện tại, công ty đã áp dụng nhiều hệ thống bảo đảm an toàn.
Ví dụ như trong dây chuyền Model 3, sản phẩm mới nhất của Tesla, thì có cả quy trình đánh giá điều chỉnh hỗ trợ tác nghiệp tiên tiến. Nhân viên sẽ mặc những bộ quần áo có gắn cảm biến để theo dõi chuyển động, nhằm giảm thiểu khả năng lặp lại những chấn thương. Những máy trạm có thể được nâng lên hoặc điều chỉnh đến tầm làm việc của công nhân. Crystak Spates, một giám đốc sản xuất của Model 3 cho biết.
Công ty cũng đã mời 6 huấn luyện viên thể chất để giúp đỡ những công nhân bị đau, họ đưa ra những bài tập kéo giãn, tập thể dục, cách sử dụng các loại băng thun hỗ trợ …
Tuy nhiên, những "cổ cồn xanh" (tiếng lóng chỉ những công nhân lao động tay chân) cho biết họ đã chứng kiến những vụ tai nạn trong suốt những năm họ làm việc ở đây, hoặc chính bản thân họ cũng bị tai nạn, từ nặng đến nhẹ. Phillips, một trong những người thúc đẩy thành lập công đoàn, nói rằng trong 4 năm ở công ty, anh đã thấy 4 người được khiêng ra bằng cáng.
Có một số bằng chứng cho ý kiến của Phillips, trong một báo cáo của cảnh sát Fremont, đã có 300 cuộc gọi đến 911 từ nhà máy ở Fremont từ tháng 1/2016 đến tháng 3/2018. Trong 300 cuộc gọi đó, 11 cuộc báo tai nạn, và 6 cuộc báo tai nạn nhưng không nhìn thấy vết thương.
Nhiều người tin rằng một lý do cho tiếng xấu của Tesla là vì họ đã thuê rất nhiều lao đồng chưa từng có kinh nghiệm làm việc trong nhà máy và chỉ huấn luyện sơ sài.
"Nhìn chung, nhà máy tiềm ẩn một chút nguy hiểm, nhất là khi bạn chưa quen với thiết kế và lắp đặt bên trong. Rồi bạn lại đưa một nhóm người từ ngoài phố vào, mà khả năng là vừa nghỉ việc từ McDonald's hay Starbucks" một nhân viên nói. Rồi sau đó, Tesla đưa cho họ một đống những quy trình về an toàn.
Nếu xảy ra tai nạn, nhân viên được hướng dẫn là gọi cho an ninh nội bộ và đợi người đến. An ninh sẽ làm sơ cứu nếu cần, hoặc đưa nạn nhân đến chỗ y tá của công ty, sau đó, y tá mới gọi 911.
Phillips nói rằng "bất kể chuyện gì xảy ra, tin hay không tùy bạn, nhưng dây chuyền sẽ không dừng lại"
Thực ra là nếu có tai nạn, dây chuyền trong nhà máy của Tesla sẽ luôn dừng lại, người bị nạn sẽ được đưa ra chăm sóc y tế, rồi dây chuyền quay lại làm việc. Theo một số quy trình công nghiệp khác, khi tai nạn nghiêm trọng đến một mức độ nào đó, công nhân nhìn thấy vụ việc sẽ được cho về nhà, "Bởi ai mà tập trung làm việc cho nổi khi vừa mới nhìn thấy một chuyện khủng khiếp xảy ra với 1 người"
Sinh ra và lớn lên ở Nam Phi, Musk đến Mỹ học đại học và sớm thành công với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên của "Mafia Paypal", nhóm đã tạo ra hệ thống thanh toán điện tử. Vào năm 2008, khi xe điện vẫn đang được coi là thứ kỳ lạ dành cho những kẻ "ôm cây đợi thỏ", Musk đã sản xuất được chiếc Roadster đẹp đẽ.
Không chỉ chạy bằng điện, mà chiếc xe còn chạy nhanh. Vào năm 2012, Tesla còn tạo ra những cơn sóng lớn hơn trên thị trường bằng bản Sedan hạng sang Model S. Và hiện nay, Tesla đang thách thức cả ngành công nghiệp với mẫu Model 3.
Công việc khác của ông, CEO của công ty SpaceX, công ty đã thúc đẩy ngành công nghiệp không gian thương mại, đang hướng đến việc đưa con người lên sao Hỏa. Chính cũng từ đây mà tên tuổi của Elon Musk đã nổi tiếng toàn cầu.
Ở Tesla, Musk hiện diện ở mọi nơi, mọi lúc, đứng sau những công nhân sản xuất, điều khiển robot, mặc quần áo bảo hộ trong phòng vô trùng. Một số người hâm mộ Musk luôn xuất hiện ở những vị trí đặc biệt trong nhà máy và cố gắng để được nhìn thấy khi ông và nhóm nhân sự cấp cao đi ngang.
Cao gần 1,9m, vai rộng, Musk thường lấn át đối phương. "Tôi đối diện ông ấy vài lần, cứ như có một trường lực" một cựu nhân viên truyền thông nội bộ cho biết. "Bạn gần như cảm nhận được không khí như bị xé toang".
Musk làm việc rất nhiều đến mức mỗi người đều có một câu chuyện về việc nhìn thấy ông với mền gối ngủ gục luôn ở góc nào đó, trên sàn, dưới gầm bàn, trong phòng họp. Mới đây, ông cũng thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng, năm ngoái ông kiệt sức đến mức phải dùng thuốc ngủ.
Nếu bạn có thể thuyết phục Musk rằng bạn có 1 ý tưởng sẽ mang về lợi ích cho Tesla, Musk sẽ không ngần ngại biến nó thành sự thật. Khi nhóm nghiên cứu hành vi công sở muốn sử dụng thử những chiếc ghế có thể đeo trên người để họ có thể ngồi khi làm, Musk đã gật đầu.
Musk luôn đi trước đến 10 bước, buộc bạn phải suy nghĩ nhanh hơn và khác biệt hơn thông thường. Bằng cách yêu cầu cao, Musk đã đưa mọi người vượt ra khỏi khả năng của họ, tạo ra những phương pháp hoàn thành công việc mới.
Một kỹ sư phần mềm mô tả:"Elon là một người có tầm nhìn đáng kinh ngạc. Ông ấy luôn đúng về việc 5-10 năm nữa chúng tôi nên như thế nào, và những khả năng có thể xảy ra. Ông ấy cực giỏi trong việc tạo cảm hứng. Ông ấy thách thức mọi người và thúc họ làm những việc mà họ nghĩ họ không thể làm được, ở một khía cạnh nào đó, điều đó thực sự hay ho".
Nhiều nhân viên Tesla gọi môi trường làm việc ở công ty là "Cuộc sống Tesla". Nhân viên ở đây được kỳ vọng sẽ dừng hết tất cả mọi việc bên ngoài và cống hiến tất cả những gì bạn có cho công ty.
"Elon sẽ nói với bạn: Chúng ta đang thực hiện cái này. Chúng ta sẽ ra mắt cái này hôm nay hoặc trong 2 tuần nữa". Nếu ông ấy công bố nó, bạn sẽ phải thực hiện", một kỹ sư phần mềm cho biết.
"Họ liên tục giới thiệu những sản phẩm mới, những phương pháp thực hiện mới." Một kỹ sư cơ khí nói, "Nó như một loại ma túy làm bạn cảm thấy bạn không thể sống thiếu nó. Bạn biết, sẽ không hay gì lắm đâu, nhưng bạn lại thích nó quá mức, vì bạn đang được rót vào tai rằng bạn đang thay đổi thế giới, và những đóng góp của bạn tác động rất nhiều đến điều đó".
Thế nhưng, những deadline của Musk có thể sẽ rất tùy hứng, thậm chí là "bạo lực tinh thần" với những người được giao việc.
"Ông ấy yêu cầu 1 dự án, rồi chúng tôi trả lời "chúng ta cần 10 tuần", rồi ông ấy nói "6 thôi", rồi 2 tuần sau đó, ông ấy sẽ nói, "chúng ta cần đẩy lên sớm hơn 2 tuần", và bạn phải xong việc trong 4 tuần. Khối công việc bất khả thi. Họ ép mọi thứ đến mức điên cuồng"
Mức độ cân bằng cuộc sống ở Tesla được đánh giá 2.6 trên thang điểm 5, theo khảo sát của Glassdoor, thấp hơn rất nhiều so với các công ty xe hơi khác. Thời gian làm việc trung bình của nhân viên Tesla là 2,1 năm, thấp hơn rất nhiều so với các công ty công nghệ khác, ví dụ như ở Apple, con số này là 5 năm, theo dữ liệu từ LinkedIn.
Nỗi lo sợ bị sa thải cũng bao trùm cả bầu không khí. Musk được biết đến với việc cứ đôi lúc lại sa thải người đang ngồi trên "ghế nóng", một kỹ sư cơ khí cho biết. Môt nhân viên dây chuyền kể về cả một nhóm bị sa thải. Đó là đợt sa thải hồi tháng 6. Đội bị sờ tới là đội Năng lượng mặt trời. Họ được gọi vào nghe một cuộc họp bằng điện thoại. Và rồi họ bị sa thải ngay trong cuộc gọi.
"Tụi này hay lấy vụ đó ra làm trò cười", một nhân viên cho biết. "Mỗi lần gặp nhau, chúng tôi đều tay bắt mặt mừng và nói: Ui chà, lạ ghê, giờ này còn gặp mày ở đây, tao tưởng đâu kiểu gì một trong hai đứa cũng bị đuổi rồi chứ"
Một số nhân viên nói rằng, làm việc tại Tesla là đồng nghĩa với việc tuyệt đối tuân thủ theo tầm nhìn của Musk và không có ngoại lệ.
"Bạn không ở đó để sáng tạo, bạn ở đó để hoàn thành sứ mệnh", một kỹ sư phần mềm cho biết. "Nếu bạn không hiểu được điều đó và cứ liên tục nói về cảm nhận của mình, khả năng cao là bạn bị đuổi".
Một cựu phó chủ tịch cho biết "Ông ấy thực sự khủng khiếp, khủng khiếp trong vận hành, khủng khiếp trong quản lý. Cũng có vài trường hợp ngoại lệ, nhưng, hầu hết các giám đốc ở Tesla đều không hề biết mình đang làm gì."
Elon Musk có chính sách "hộp thư mở", khuyến khích mọi người, ở mọi cấp bậc, viết thư trực tiếp cho ông kể về những tâm tư, nguyện vọng. Rất nhiều nhân viên nói rằng điều đó thật tuyệt.
Nhưng nhiều người cũng phàn nàn rằng chính sách này mang đến nhiều tiêu cực hơn là tích cực. Một cựu nhân viên khác nói rằng Musk sẽ chuyển tiếp những email của nhân viên cho các Phó chủ tịch chịu trách nhiệm trực tiếp kèm theo 3 ký tự đơn giản "WTF" (viết tắt của cụm từ "Cái quái gì đây"). Những người nhận sẽ hoảng loạn và phải ngừng mọi việc đang làm để tìm hiểu cho được vấn đề nằm ở đâu.
"Điều đó thực sự gây nên náo loạn, tự dưng bạn sẽ phải dành nhiều ngày đuổi theo một chuyện vốn chẳng phải vấn đề gì lắm. Cho phép mọi người gửi email trực tiếp cho Elon tạo ra một đống vấn đề mỗi ngày. Chẳng phải tự nhiên mà chuỗi mệnh lệnh phân cấp chuẩn tồn tại.", một nhân viên nói.
Những bức thư "WTF" của Musk được coi là công tắc bật những mũi khoan lửa, nhưng so với những dòng tweet của ông ấy, nó chẳng là gì cả.
Musk bộc trực, và cũng hay ngứa mồm.
Ông rất hay chen vào những cuộc đấu khẩu công khai, rồi sau đó hứa hẹn về những sản phẩm mới, tính năng mới, và những cột mốc mới.
Và thi thoảng, vài dòng tweet đưa ông ấy và cả cái công ty vào tình cảnh khốn khổ, ví như đôi dòng chữ nhẹ nhàng "nguồn vốn được đảm bảo", đã kéo luôn Ủy ban chứng khoán SEC đến điều tra.
Và trong phần lớn những lần đó, những tuyên bố được đưa ra công chúng còn trước cả khi thông báo đến nhân viên Tesla, bao gồm cả những người chịu trách nhiệm cho các công việc tại công ty. Sau dòng tweet, nhân viên sẽ quay ra nhìn nhau, bực dọc rồi thắc mắc "Ủa, vậy là giờ mình đang theo vụ đó hả?"
Ví dụ như mới đây, hồi tháng 6, Musk bắn khá nhiều tweet về thông số kỹ thuật của một chiếc bán tải chạy điện. Mức độ chi tiết mà Musk đưa ra còn khiến nhiều người trong ngành ngạc nhiên.
Một nhân viên sản xuất từng chứng kiến vụ này: "Tôi có làm việc với một người bên tính toán kỹ thuật hiệu suất xe, sáng ra, hắn ta vừa xuất hiện đã lắc đầu ngao ngán, kiểu như "Mày thấy cái tweet mới nhất của Elon chưa? Ổng muốn gắn thêm tên lửa vô xe kìa."
Ngay sau đó, ngày 5 tháng 6, trong cuộc họp thường niên của cổ đông Tesla, Musk thực sự tuyên bố các kỹ sư của hãng sẽ phải gắn thêm bộ đẩy tên lửa vào phiên bản mới nhất của chiếc Roadster, được định trước là sẽ ra mắt vào 2020. Ông cũng tuyên bố rằng một số khách hàng của Model 3 sẽ nhận được xe sớm hơn dự định vài tháng so với thời gian được đăng tải chính thức trên website của Tesla.
Nhiều nhân viên thì bảo vệ Musk với dòng tweet về ý định biến Tesla thành công ty tư nhân, cho đó là cam kết của vị CEO về sự minh bạch. Nhưng vì tính bốc đồng của Musk trên Twitter đã khiến nhiều thành viên hội đồng quản trị đã buộc ông phải "kiêng" post bài trên Twitter.
Và cũng sau vụ bê bối này, Musk buộc phải rời ghế chủ tịch hội đồng Tesla. Tuy nhiên, ông vẫn được tiếp tục nắm giữ cương vị Giám đốc điều hành (CEO). Cái tên thay thế ông cho chức Chủ tịch Hội đồng là bà Robyn Denholm, người hiện đang giữ cương vị Giám đốc tài chính của công ty viễn thông Australia Telstra và là một thành viên độc lập trong Hội đồng Quản trị Tesla từ năm 2014.
Giới phân tích hiện lo ngại rằng không rõ trên cương vị Chủ tịch Tesla, bà Denholm có đủ khả năng và sự độc lập để kiềm chế những "cơn bốc đồng" của Musk hay không. Sẽ khó để có câu trả lời cho đến khi bà Denholm nhận chức vụ tại Tesla và bắt tay vào công việc của mình.