Ở một số tỉnh thành phía Bắc, từ nhiều năm nay đã phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông, mang lại nguồn thu nhập khá cao, cải thiện đời sống cho các hộ dân và góp phần thay đổi cơ cấu nông nghiệp ở các địa phương. Tuy nhiên, phát triển nghề nuôi như thế nào nhằm tạo sinh kế bền vững cho người nông dân và đảm bảo môi trường đang là vấn đề đặt ra cho ngành nông nghiệp cũng như các cấp chính quyền địa phương.
Nhờ lợi thế địa bàn có con sông Kinh Thầy chảy qua, người dân các xã Nam Tân, Nam Hưng của huyện Nam Sách, Hải Dương đã tận dụng dòng nước sạch tự nhiên để nuôi cá lồng. Nếu như những năm 2009 - 2010 mới chỉ có một vài hộ bắt đầu thử nghiệm nuôi cá lồng trên sông thì chỉ 3 năm sau, mô hình kinh tế mới này đã có tới gần 100 hộ cùng tham gia và phát triển thành một nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương.
Nam Tân là một trong những xã nuôi trồng thủy sản mạnh nhất của huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Với diện tích 120 - 130 ha mặt nước tự nhiên, sản lượng thủy sản của xã Nam Tân chiếm trên 1/4 tổng sản lượng của toàn huyện, mỗi năm đạt khoảng 500 - 550 tấn cá các loại trên tổng sản lượng cá nuôi của toàn huyện Nam Sách là khoảng hơn 2.000 tấn/năm, đa phần là các loại cá cho giá trị kinh tế cao như: chép giòn, trắm giòn, cá lăng và điêu hồng. Nuôi cá lồng trên sông cho giá trị kinh tế cao bởi đây là thực phẩm sạch, được người tiêu dùng ở các thành phố lớn rất ưa chuộng.
Cá chép giòn từ vài năm nay đã trở thành giống cá đặc sản được thị trường ưa chuộng bởi thịt của cá rất giòn và ngọt. Học hỏi được bí quyết nuôi cá chép giòn từ những người đi trước, đã có nhiều thanh niên trẻ của địa phương phát triển được giống cá chép giòn trở thành thương hiệu cá nổi tiếng của vùng Nam Sách, Hải Dương, mở rộng thị trường tiêu thụ ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Hiện tại, bà con ở đây vẫn đang cố gắng duy trì nghề nuôi cá trên sông bởi thực tế, nghề này vẫn là định hướng kinh tế mũi nhọn của xã, cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa và hoa màu.
Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự tạo điều kiện của các ngân hàng, các hộ nuôi cũng đang tìm cách mở rộng thị trường tiêu thụ, đảm bảo chất lượng cá nuôi bằng việc nghiên cứu cách thức phối trộn thức ăn theo hướng dẫn của các nhà khoa học và những người nuôi có kinh nghiệm, nhằm giảm chi phí đầu vào. Đồng thời, thường xuyên giữ vệ sinh khu vực nuôi, xử lý nguồn nước bằng phương pháp khoa học để đảm bảo môi trường sống trong sạch cho cá. Nếu được các địa phương quản lý và quy hoạch tốt, đây sẽ tiếp tục là một mô hình kinh tế hiệu quả, tạo sinh kế ổn định và bền vững cho người nông dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!