Để xe bus hoàn thành các chỉ tiêu về nhu cầu phục vụ trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vừa ký ban hành kế hoạch thực hiện một số giải pháp để ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng trong đó sẽ nghiên cứu và tổ chức làn đường ưu tiên cho xe bus trên nhiều tuyến đường. Tuy nhiên, giải pháp này ngay sau khi được phê duyệt đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá của các chuyên gia và người dân.
Trong các tuyến đường được thành phố Hà Nội lên phương án tổ chức đường ưu tiên cho xe bus gồm có:
- Tuyến đường Pháp Vân - Giải Phóng - Đại Cồ Việt: 4,7 km.
Tuyến đường Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự: 5,9 km.
- Tuyến đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Đàm: 9,6 km.
- Tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú: 5 km.
Tuyến đường Nguyễn Trãi trước đây đã từng có làn đường dành riêng cho xe bus, tuy nhiên phải phá bỏ để thực hiện dự án đường sắt trên cao. Biết tin làn đường dành cho xe bus sắp được khôi phục, một số người dân ở đây cho rằng đây là giải pháp hiệu quả để giảm bớt tình trạng va chạm giao thông giữa xe bus và các phương tiện khác, vốn thường xuyên xảy ra tại khu vực này.
Thêm làn xe bus để hạn chế tai nạn cũng là bớt đi gần 4m đường của các phương tiện tham gia giao thông khác. Trong khi đó, tuyến đường Nguyễn Trãi luôn là điểm nóng ách tắc giao thông vào giờ cao điểm.
Cách đó không xa, 9,6km đường từ Khuất Duy Tiến đến Linh Đàm cũng sẽ có thêm làn đường ưu tiên cho xe bus. Thực tế ghi nhận tại địa điểm này cho thấy, dù hiện tại xe bus và các phương tiện khác vẫn đi chung một làn đường nhưng tình trạng ách tắc xảy ra liên tục khiến cho nhiều xe máy phải leo lên cả vỉa hè để di chuyển. Nhiều người dân tham gia giao thông tại khu vực này cho rằng, việc thêm 1 làn ưu tiên cho xe bus sẽ khiến mức độ giao thông ách tắc nghiêm trọng hơn.
Người dân có thể dễ dàng quan sát thấy hiệu quả của việc xây dựng làn đường riêng cho xe bus tại tuyến BRT, dù đã có vạch kẻ đường, biển cấm nhưng tất cả các phương tiện tham gia giao thông vẫn thản nhiên đi vào làn đường dành riêng cho xe bus nhanh khiến cho tốc độ của các loại xe này cũng chẳng khác gì xe bus thông thường. Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng cả cơ sở hạ tầng lẫn ý thức tham gia giao thông của người dân vào thời điểm này đều chưa phù hợp để xây dựng các tuyến đường ưu tiên cho xe bus.
Từ nay đến cuối năm 2020, Hà Nội dự kiến sẽ hoàn thành 4 tuyến đường dành riêng cho xe bus, đồng thời triển khai các đề án như thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc; xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2020.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!