Không phải đổ xăng, có đầy đủ các bộ phận còi, đèn, xi nhan, thậm chí có cả hệ thống chống trộm, giá rẻ hơn nhiều so với xe máy, là những lý do khiến xe đạp điện trở thành một trong những loại phương tiện phổ biến nhất hiện nay.
Thị trường tiềm năng này cũng đang khiến các nhà sản xuất phải cạnh tranh khốc liệt, không phải với các đối thủ lành mạnh, mà là hàng nhái. Chính vì thói quen tiêu dùng của một bộ phận người dân "ham của rẻ" vẫn luôn là điểm yếu để vấn nạn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng có đất tung hoành.
Trong tuần vừa qua, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Hà Nam đã tiến hành kiểm tra một số cửa hàng bán xe điện trên địa bàn. Tại đây, nhiều phương tiện xe đạp điện có dấu hiệu vi phạm về kiểu dáng, không có tem kiểm định chất lượng đã bị lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ.
Chủ các cửa hàng chỉ xuất trình được hóa đơn cho cả lô sản phẩm chứ không có hóa đơn của từng chiếc. Giá nhập sản phẩm là hơn 6 triệu đồng/chiếc, nhưng giá ghi trên hóa đơn chỉ hơn 2 triệu đồng. Toàn bộ các phương tiện đều có dấu hiệu vi phạm về kiểu dáng, nhìn bề ngoài giống với loại phương tiện của nhà sản xuất khác đã có đăng ký bản quyền, tuy nhiên lại không có các loại tem theo quy định.
Trước đó, tại các tỉnh Nghệ An, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Nam, lực lượng quản lý thị trường cũng đã phát hiện và tạm giữ hàng chục phương tiện xe đạp điện có dấu hiệu vi phạm tương tự.
Theo giới chuyên gia, hàng giả hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không những đe dọa đến sự phát triển của nền kinh tế, làm méo mó môi trường kinh doanh, bóp chết những doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tiền bạc thậm chí cả tính mạng người tiêu dùng.
Việc đó hoàn toàn là thực tế khi vụ việc xe điện sạc pin kém chất lượng gây phát nổ đã khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang trong một thời gian dài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!