Mảnh đất Phú Thọ không chỉ là vùng đất cổ, cái nôi của nền văn hóa Lạc Việt mà còn là nơi khởi nguồn của nhiều món ăn đặc sản, trong đó, không thể không kể đến bánh chưng và bánh dày, hai món lễ vật dân dã, mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Ngày nay, truyền thống làm bánh chưng, bánh dày dịp Tết vẫn được người dân nơi đây lưu giữ.
Những ngày này, đi đến khắp các làng quê của vùng đất Tổ, đến đâu cũng có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những nồi bánh đỏ lửa, màu xanh của lá dong, màu trắng của đỗ và những tiếng chày giã gạo vang khắp mọi nơi.
Nằm kế bên bờ sông Lô, ngôi làng cổ Hùng Lô nổi tiếng khắp gần xa với nhiều điều: miến gạo, hội hát xoan, ngôi đình cổ nổi tiếng hàng trăm năm tuổi. Thế nhưng, thứ đặc sản nổi tiếng khiến nhiều người tìm đến Hùng Lô trong dịp này là món bánh chưng.
Ngày nay, hàng chục hộ dân trong xã vẫn duy trì nghề gói bánh chưng quanh năm suốt tháng. Nếu cách đây vài năm, trong làng chỉ có khoảng 30 hộ gói bánh chưng truyền thống thì đến nay, số hộ gói bánh đã lên đến hơn 70 hộ. Những ngày giáp Tết cổ truyền của dân tộc, xã Hùng Lô lại nhộn nhịp hơn bao giờ hết.
Khác với những nơi khác, bánh chưng ở đây được gói hoàn toàn bằng tay, không dùng khuôn theo cách cổ, nên bánh luôn chắc và thơm ngon. Dưới đôi bàn tay khéo léo của những người thợ làm bánh, lễ vật dâng Vua đã bắt đầu thành hình, trang trọng và đẹp mắt.
Đối với người dân làng Xốm, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì, Phú Thọ làm bánh chưng không chỉ là nghề mưu sinh mà quan trọng hơn là niềm tự hào về một nghề truyền thống gắn liền với sự tích "Bánh chưng, bánh dày" vùng đất Tổ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!