Ở các khu đô thị lớn như Hà Nội, bất cứ đâu, bạn cũng có thể nhìn thấy các cột thu phát thông tin di động hay trạm BTS trên các nóc nhà. Nặng gần 1 tấn, cao khoảng 10m, những trạm BTS đặt trong các khu đông dân cư luôn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn, nhất là trong mùa mưa bão. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để khắc phục được tình trạng này trong khi nhu cầu phủ sóng di động đang ngày càng tăng cao?
Chưa được cơ quan chức năng cấp phép nhưng một trạm BTS vẫn được xây dựng trên nóc của một tòa nhà cao nhất trong ngõ 209 Đội Cấn - Hà Nội. Lo ngại về độ an toàn do công trình chưa được thẩm định, phê duyệt thiết kế, các hộ dân trong ngõ đã liên tục phản đối việc xây dựng trái phép này. Tuy nhiên, chủ đầu tư cũng chỉ hạ thấp cột, che đậy tạm anten phát sóng, còn toàn bộ công trình vẫn tồn tại suốt gần 1 năm qua.
Lo lắng của người dân không phải không có cơ sở bởi cách đây 2 năm, một cột thu phát sóng nặng hàng trăm kg, lắp đặt trên tòa nhà 10 tầng tại quận Đống Đa bất ngờ gãy đổ khiến 1 nạn nhân tử vong.
Trước thực trạng này, một giải pháp mới đã bắt đầu được triển khai, dần thay thế cho hơn 8.200 trạm BTS trong các khu dân cư. Đó là các trạm BTS xanh, lắp đặt tại những không gian rộng, thoáng đãng.
Chỉ mất 1 tháng xây dựng, những trạm BTS nhỏ gọn như thế này có thể cung cấp hạ tầng lắp đặt thiết bị cho 3 nhà mạng cùng lúc, đồng thời đủ vị trí để lắp đặt biển thông tin quảng bá hình ảnh, camera giao thông, hệ thống quan trắc môi trường… Quan trọng nhất là tính năng phủ sóng di động đến các điểm trũng sóng.
Sau khi triển khai hơn 30 trạm BTS xanh tại khu vực phía Bắc và thu được kết quả tốt, Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội cũng đang có kế hoạch nhân rộng mô hình này.
Được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đánh giá là 1 trong 30 sản phẩm sáng tạo tiêu biểu. Trong thời gian tới, hơn 100 trạm BTS xanh sẽ tiếp tục được triển khai xây dựng tại Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!