Đến thời điểm này, việc công trình có tuân thủ theo đúng các quy định về xây dựng hay không vẫn đang gây tranh cãi, chưa có kết luận cuối cùng.
Trả lời một số phương tiện truyền thông, chủ công trình này cho biết, một số cán bộ cấp huyện đã động viên chủ nhà xây dựng công trình. Phản hồi thông tin này, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết, vị trí này từng được chuyên gia nước ngoài của UNESCO tư vấn làm điểm dừng chân.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang thừa nhận, công trình không có giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, Luật Xây dựng hiện hành lại chưa có quy định cụ thể ở khu vực này.
Trước đó, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, công trình Mã Pì Lèng Panorama không thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ 1 và 2 của Di tích danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng. Tuy nhiên, để chủ động ngăn ngừa triển khai các dự án xây dựng có nguy cơ ảnh hưởng tới di sản, Cục Di sản văn hóa đã từng có công văn đề nghị Sở VH-TT&DL Hà Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, thẩm định đối với công trình xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng này. Nhưng đến nay, Bộ VH-TT&DL chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của tỉnh Hà Giang.
Trong khi chờ các cơ quan chức năng có phán quyết cuối cùng, đến chiều 7/10, công trình nhà nghỉ, cafe, điểm dừng chân Mã Pì Lèng Panorama vẫn hoạt động đón khách bình thường.
Cũng trong ngày 7/10, đại diện UBND tỉnh Hà Giang khẳng định, dự án Mã Pì Lèng Panorama chưa được cấp phép xây dựng, chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, đất xây dựng.
Quan điểm của tỉnh là sẽ xử lý nghiêm sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật. Qua xác minh ban đầu, UBND tỉnh cho rằng trách nhiệm để xảy ra sai phạm thuộc về UBND huyện Mèo Vạc.
Dự kiến ngày 10/10 tới, đoàn kiểm tra của tỉnh sẽ có văn bản chính thức về vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!