Hình ảnh con hổ bị ngọn lửa nuốt chửng đã được chia sẻ hàng chục nghìn lần trên Facebook khi nói về việc có hàng triệu động vật ở Australia bị chết do cháy rừng. Tuy nhiên, bức ảnh này là tin giả, có từ năm 2012. Trong khi đó, trên Instagram, bức ảnh một bé gái đeo mặt nạ phòng độc, ôm con gấu túi đứng dưới hồ nước với ngọn lửa và đám khói cuồn cuộn ở phía sau cũng được chia sẻ hàng chục nghìn lần. Đây cũng lại là tin giả.
Một bức ảnh tại nơi hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi những đám cháy rừng, không phải là chú chuột túi ôm người phụ nữ đã cứu mình trong biển lửa cũng được đăng tải. Cuối cùng là một bức ảnh được chia sẻ rất nhiều lần trên cả 3 mạng xã hội lớn Facebook, Twitter và Instagram ghi lại cảnh 1 phụ nữ và 5 trẻ nhỏ đang ngâm mình dưới hồ nước với nền trời đỏ quạch ở phía sau. Tuy nhiên, trên thực tế, bức ảnh đã được chụp từ năm 2013 trong đợt cháy rừng ở Tasmania.
Tiến sĩ Timothy Graham, Đại học Công nghệ Queensland, nói: "Đã phát hiện nhiều bài đăng do các tài khoản đáng ngờ, giống như BOT tạo ra. Australia giờ ngập trong những thông tin sai lệch, thổi phồng về thảm họa môi trường này. Chúng làm người dân khó có thể biết đâu là tin thật".
Trước đó, khi vụ cháy rừng Amazon diễn ra, cũng đã có nhiều tin giả, điều đáng nói là nhiều người nổi tiếng trên thế giới cũng bị đánh lừa và đã chia sẻ những bức ảnh này. Khi sự việc tiếp tục tiếp diễn với tình trạng cháy rừng tại Australia, lời khuyên được đưa ra là trước khi chia sẻ hình ảnh và thông tin trên mạng xã hội, hãy cân nhắc và kiểm tra nguồn tin kỹ càng, tránh gây ra thông tin sai lệch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!