Khi nghe tin về các vụ tai nạn máy bay thảm khốc, mọi người mới giật mình nhìn lại, có bao nhiêu quy tắc an toàn đã bị lơ là. Điển hình như trong vụ mới đây nhất là chuyến bay mang số hiệu 2933 của hãng LaMia Airlines, chở hơn 80 người, trong đó có các cầu thủ đội tuyển bóng đá Chapecoense của Brazil.
Chiếc máy bay đã lao vào sườn núi gần thành phố Medellin, Colombia, khiến ít nhất 71 người thiệt mạng. Đoạn ghi âm những lời cầu cứu cuối cùng của phi công vừa được tiết lộ, đã khiến nhiều người phải rùng mình.
Mới đây, tờ Guardian của Anh đã tổng hợp một vài câu chuyện về phi công phải làm việc quá tải dẫn đến ảnh hưởng an toàn hàng không. Đặc biệt, đối với những hãng hàng không giá rẻ, để tiết kiệm chi phí, họ thường xếp cho phi công lịch dày đặc, phải bay ngày, bay đêm liên tục. Nhiều phi công cho rằng làm việc như vậy chả khác gì bóc lột lao động. Bởi vậy, ngành hàng không đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt phi công trầm trọng.
Ngày càng có nhiều người lựa chọn máy bay làm phương tiện di chuyển mỗi khi đi xa. Thời gian rút ngắn và nếu chọn hãng hàng không giá rẻ thì giá vé cũng hợp lý. Vậy nên, số khách, số chuyến bay tăng lên, nhưng nghịch lý là không phải ai cũng sẵn sàng làm phi công để điều khiển chiếc máy bay đó.
Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) ước tính mỗi năm các hãng hàng không phải đào tạo 19.000 phi công mới có thể đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Số lượng người lựa chọn nghề phi công chỉ là con số nhỏ so với ngành ngân hàng, tài chính, kế toán. Thế nên thiếu hụt nhân sự là bài toán khó của các hãng hàng không.
Thêm vào đó, ngay cả khi các phi công trải qua tập huấn bài bản, các hãng hàng không vẫn chuộng phi công giàu kinh nghiệm hơn một người mới ra trường. Do vậy, phi công mới chỉ có thể trở thành phi công phụ hoặc phi công cấp thấp trong những hãng bay địa phương nhỏ, tích lũy kinh nghiệm cho đến khi có thể thăng bậc.
Số người đầu quân ít, thời gian đào tạo lại lâu, bài toán nhân lực này rất khó giải quyết. Đó là còn chưa tính tới chuyện, nhiều phi công, sau khi đạt trình độ cao nhờ những chương trình đào tạo của các hãng hàng không giá rẻ, lại có xu hướng nhảy việc, sang đầu quân cho một hãng lớn khác. Vậy là các hàng hàng không giá rẻ lại tiếp tục phải đào tạo người mới với lo ngại rồi lại sẽ mất nhân tài.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!