Thời điểm nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang đến rất gần. Thế giới đang hồi hộp chờ xem chính sách đối ngoại của tân Tổng thống Mỹ sẽ như thế nào sau khi ông nhậm chức. Trong đó, chính sách kinh tế của ông Trump đối với Trung Quốc gây nhiều sự chú ý bởi những phát ngôn mạnh mẽ của ông trong chiến dịch tranh cử, cũng như tác động của mối quan hệ này đối với kinh tế khu vực và toàn cầu.
Tổng thống đắc cử Donald Trump cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ và là nước đánh cắp việc làm lớn nhất của Mỹ. Ông đe dọa sẽ tăng thuế tới 45% đối với hàng hóa Trung Quốc. Tất cả đều là tín hiệu cho thấy chính sách kinh tế của Mỹ đối với Trung Quốc có thể sẽ cứng rắn hơn dưới thời Donald Trump nếu tân Tổng thống Mỹ thực hiện đúng như những gì ông đã tuyên bố.
Các chuyên gia cho rằng, khi hai ông lớn căng thẳng, các nước trong khu vực cũng phải dè chừng, bởi mối quan hệ này sẽ tác động trực tiếp đến môi trường kinh doanh tại châu Á.
Tuy nhiên, không phải tất cả những tuyên bố của ông Trump đều sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc. Cam kết rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể tạo ra khoảng trống chiến lược để Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng thông qua các sáng kiến khu vực như "Một vành đai, một con đường", Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực hay Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB).
Hơn nữa, Mỹ vẫn cần Trung Quốc trong xử lý các vấn đề khu vực và toàn cầu, đặc biệt là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cuộc chiến tại Syria hay vấn đề biến đổi khí hậu. Do đó, không dễ gì chính sách kinh tế của Mỹ đối với Trung Quốc có thể quay ngoắt 180o.
Chính sách của ông Trump đối với Trung Quốc sẽ định hình rõ nét hơn sau khi ông nhậm chức và hoàn thiện bộ máy nội các. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là quan hệ Mỹ - Trung sẽ tiếp tục xu hướng vừa hợp tác vừa cạnh tranh, trong đó góc độ cạnh tranh sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!