Tại làng Malana, bang Himachal Pradesh, rác thải nhựa có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu, từ những triền núi cho tới nguồn cung cấp nước chính của làng. Mỗi buổi chiều, bầu không khí trong thung lũng lại ngập tràn mùi hăng hắc của nhựa cháy, khi những hộ gia đình thu gom rác thải và đốt ngay tại nơi ở. Họ tin rằng, đây là giải pháp duy nhất.
Theo người dân địa phương, đồ nhựa từng là một khái niệm xa lạ với ngôi làng, tuy nhiên mọi thứ đã thay đổi kể từ khi du lịch phát triển, thu hút nhiều du khách tìm đến.
"Trước kia, ở đây không có nhựa. Thế nhưng giờ thì mọi thứ chúng tôi mua từ chợ đều được đựng trong đồ nhựa, kể cả sữa chua" - bà Indra Devi - người dân địa phương, cho biết.
Bà Devi và nhiều người khác đã phát động phong trào làm sạch môi trường, tuy nhiên điều này là không dễ dàng.
Không chỉ Malana, nhiều ngôi làng khác tại miền núi Ấn Độ cũng phải đối mặt với vấn đề này. Những nhà hoạt động của tổ chức Những chiến binh chống rác thải cho biết, chỉ trong năm 2016, họ đã thu gom và phân loại hơn 630 tấn rác thải tại 3 ngôi làng dưới chân dãy Himalaya. Hầu hết người dân sinh sống tại vùng nông thôn Ấn Độ đều không biết về tác hại của rác thải nhựa hay việc đốt chúng.
Giới chức tại nhiều bang miền núi Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm sử dụng đồ nhựa, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng như vậy là chưa đủ. Các nhà hoạt động hiện đang nỗ lực vận động chính phủ Ấn Độ thiết lập các trung tâm xử lý rác thải ngay tại địa phương và buộc các công ty lớn phải có trách nhiệm thu gom những rác thải nhựa mà họ đã sử dụng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!