6 tháng qua là một chặng đường tu sửa quyết liệt đối với Boracay, được ví như được đưa vào "trại cai nghiện". Đây là hậu quả của nhiều năm bị quản lý yếu kém, khai thác du lịch quá mức và môi trường xuống cấp. Thanh tra Chính phủ Philippines đã phát hiện hơn 2.000 cơ sở kinh doanh và nhà dân nối ống xả thải trái phép chạy thẳng xuống biển.
Trong 6 tháng qua, một ban đặc nhiệm liên ngành đã giám sát việc xây dựng lại hệ thống cống, xả thải mới, chạy lại đường cáp viễn thông cũng như xây mới 20km đường và lối đi. Dự án còn kéo dài hơn 1 năm, tiêu tốn khoảng 25 triệu USD (hơn 580 tỷ đồng).
Với người dân, điều họ thấy rõ rệt nhất là chất lượng nước cải thiện như thế nào. Tuy nhiên, cùng với việc được kinh doanh du lịch trở lại, Boracay sẽ chịu sự quản lý của một loạt các điều luật và quy định về môi trường và xây dựng. Chỉ có 68 trong tổng số 600 resort từng có trước kia sẽ được hoạt động trở lại vào ngày 26/10 và khách du lịch sẽ sốc vì danh tiếng tiệc tùng của Boracay sẽ không còn.
Việc du khách hút thuốc, uống rượu hoặc đặt giường, ghế, bàn, ô... trên bãi biển đều bị cấm. Các kỹ thuật viên Massage, người bán hàng rong cũng không được hoạt động trên bãi biển. Đồ nhựa dùng một lần cũng bị cấm… Các hoạt động thể thao trên biển cũng bị loại khỏi khu vực 100m tính từ đường bờ biển.
Bà Berna Romulo-Puyat - Bộ trưởng Bộ Du lịch Philippines nói: "Boracay là dự án du lịch bền vững đầu tiên của chúng tôi. Chúng tôi muốn toàn bộ các điểm du lịch lớn phải làm du lịch bền vững".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!