Cụ bà Đỗ Thị Mơ, 83 tuổi, tại Thanh Hóa, một mực đòi trả lại sổ hộ nghèo để thoát nghèo. Không hẳn là nguyên nhân chính nhưng hành động của cụ đã tiếp thêm động lực, truyền thêm cảm hứng cho hàng chục gia đình khác tại Kon Tum tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Câu chuyện của họ cũng đặc biệt và thú vị không kém.
Nằm trong danh sách hộ nghèo 3 năm nay, sau khi được anh em hàng xóm giúp làm được căn nhà nhỏ, có chỗ che nắng, che mưa vững chãi hơn, bà Được lập tức viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, dù địa phương xác nhận kinh tế nhà bà vẫn còn khó khăn.
Còn cụ ông người đồng bào Ba Na tuổi đã gần 70, sau tham gia kháng chiến, ông vừa mang trong mình di chứng của chất độc màu da cam, vừa phải đang chống chọi với căn bệnh tai biến không thể nói chuyện được, nhưng vẫn một mực bảo bà viết đơn xin thoát nghèo.
Điều đáng ngạc nhiên, đây không phải là những trường hợp hiếm viết đơn xin tự nguyện thoát nghèo. Mà tại xã Đăk Xú có đến 8 hộ gia đình đã làm việc này, trong đó, hầu hết các gia đình đều chưa đủ điều kiện thoát nghèo, nhiều gia đình khiến địa phương cảm thấy khó xử khi nhận đơn.
Ngoài 11 gia đình tại huyện Ngọc Hồi, trên địa bàn tỉnh còn có xã Đăk Tờ Re huyện Kon Rẫy, 1 xã thuộc vùng 135 đặc biệt khó khăn, nơi chiếm khoảng 80% là người đồng bào và là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh cũng có 5 hộ tình nguyện viết đơn xin thoát nghèo.
Điều đáng nói là những người tình nguyện viết đơn xin thoát khỏi danh sách hộ nghèo là những người chưa hẳn đã hết nghèo. Tuy nhiên, vì nghĩ cho người khác, những người có thể còn nghèo hơn mình, nên họ xin không hưởng tiền trợ cấp, để nhường xuất cho người khác. Không chỉ có vậy, với nhiều người, việc xin ra khỏi hộ nghèo còn tạo động lực để tự lực vươn lên, lo kinh tế cho gia đình mình, mà không trông chờ vào sự hỗ trợ như trước nữa.
Để thoát nghèo, trước tiên là phải thay đổi nhận thức, để làm động lực phấn đấu vươn lên. Việc các hộ tự nguyện thoát nghèo cũng đã góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ nghèo của các địa phương, đặc biệt là những tỉnh còn nhiều khó khăn như Kon Tum.
Toàn xã Đăk Tơ Re, huyện Kon Rẫy có 1.300 hộ thì có đến 545 hộ nghèo, 129 hộ cận nghèo, chiếm tới 50,67%. Tuy nhiên, năm 2019, xã Đăk Tơ Re đã giảm được gần 9% hộ nghèo, tỷ lệ cao hơn nhiều so với mục tiêu giảm nghèo chung của tỉnh Kon Tum. Còn tại xã Đăk Xú huyện Ngọc Hồi, tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 chỉ còn 3,9%
Nỗ lực vươn lên thoát nghèo hay tự nguyên xin thoát nghèo đã là điều đáng ngạc nhiên nhưng câu chuyện về anh Vũ Quốc Long, nhân vật không chỉ nghị lực vượt hẳn lên số phận để thoát nghèo một cách ngoạn mục mà còn tiếp tục truyền cảm hứng ấy đến với mọi người bằng những suy nghĩ, hành động nhân ái của mình
Làm bạn với bóng tối suốt 6 năm qua, liên tục khởi nghiệp thất bại với số nợ hàng tỷ đồng, 3 năm liên tiếp giữ thẻ hộ nghèo của địa phương nhưng năm nay, mọi chuyện đã khác.
Thoát nghèo bằng chính sức lao động, bằng ý chí và nghị lực nhưng điều ngạc nhiên và đáng khâm phục hơn là tinh thần tương thân tương ái, anh Long quyết định sẽ mang toàn bộ trợ cấp dành cho người khuyết tật mà anh đang được hưởng để trao cơ hội đến trường cho những bạn nhỏ khó khăn khác với hi vọng tiếp thêm động lực cho những thế hệ tương lai.
Họ có thể được coi là những người thoát nghèo văn minh vì dù hoàn cảnh còn nghèo nhưng họ giàu lòng tự trọng và biết nghĩ cho cộng đồng còn những người khó khăn hơn. Quan trọng nhất là những con người ấy bỏ được tư duy dựa dẫm, ỉ lại vào tiền trợ cấp của nhà nước. Với quyết tâm như vậy chắc chắn họ từ việc xin thoát nghèo trên giấy sẽ thoát nghèo thực sự.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!