Với cấp trung học cơ sở, do giáo viên phân môn nên việc "mượn" thầy, cô của trường này dạy hỗ trợ trường khác dẫu vất vả vẫn có thể thực hiện được. Thế nhưng, với cấp học mầm non, tiểu học, giáo viên kiêm nhiệm lớp, việc "mượn" thầy cô dạy hỗ trợ lại là điều không thể.
Tại Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, ở thời điểm này, sĩ số các lớp học đều vượt gần 10 em so với tiêu chuẩn 35 học sinh/lớp. Năm học này, trường tăng gần 100 học sinh so với năm học trước. Đúng theo quy định, trường cần thêm 3 giáo viên. Thế nhưng, biên chế không được bổ sung, lại thêm 5 trường hợp nghỉ thai sản. Vì thế, dồn ghép lớp là biện pháp bắt buộc để đủ giáo viên đứng lớp.
Trong khi đó, tại Trường Mầm non Phương Đông, với hơn 600 trẻ, trường đang thiếu 12 giáo viên theo quy định. Hội trường được huy động làm lớp học, vẫn trở nên chật chội với số lượng học sinh của một lớp.
Ngay cả khi dồn, ghép lớp, tình trạng thiếu giáo viên vẫn khó cải thiện. Nhiều hiệu trưởng, hiệu phó phải tăng buổi dạy, vượt quy định cả chục tiết mỗi tuần. Để bổ sung giáo viên, các trường cũng kí hợp đồng với giáo viên thời vụ. Tuy nhiên, việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn khi mức lương chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng.
Thực trạng tại Uông Bí cũng là thực trạng chung của ngành giáo dục tại nhiều địa bàn của tỉnh Quảng Ninh. Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, tình trạng thiếu giáo viên hiện nay tại một số địa phương như sau:
- Thị xã Đông Triều thiếu 106 giáo viên
- Thành phố Hạ Long thiếu 118 giáo viên
- Thành phố Cẩm Phả thiếu 27 giáo viên
- Thành phố Móng Cái thiếu 82 giáo viên
Nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên được Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh lý giải do tỉnh tạm dừng tuyển dụng biên chế để tích cực rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại giáo viên cũng như bố trí lớp học nhằm thực hiện việc tinh giản bộ máy biên chế, trong khi dân số biến động với sự tăng đột biến của dân số ở tuổi đi học.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!